1. Tên nhà tài trợ: Ngân hàng Thế giới - WB.

2. Cơ quan chủ quản Chương trình.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT).

- Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa và Hà Nội.

3. Địa điểm thực hiện: Các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa và thành phố Hà Nội.

4. Thời gian thực hiện Chương trình: 5 năm (từ 2013 đến 7/2018).

5. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của Chương trình.

5.1. Mục tiêu.

- Mục tiêu chung của Chương trình.

Tăng cường khả năng tiếp cận bền vững và sử dụng hiệu quả dịch vụ cấp nước và vệ sinh ở khu vực nông thôn của 8 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng thông qua hỗ trợ và đẩy mạnh Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 (gọi tắt là CTMTQG) của Chính phủ Việt Nam tại 8 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, thí điểm phương thức tiếp cận dựa trên kết quả thực hiện.

- Mục tiêu cụ thể của Chương trình.

+ Cung cấp nguồn nước sạch và bền vững cho 340.000 gia đình nông thôn tại 08 tỉnh cho mục đích ăn uống và sinh hoạt.

+ Cải thiện điều kiện sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 130.000 hộ gia đình nông thôn.

+ Cung cấp nước và điều kiện vệ sinh ở các trường học, trung tâm y tế, chợ và các công trình công cộng.

+ Nâng cao năng lực phân tích các thông tin liên quan về ngành nước và điều kiện vệ sinh, xác định ưu tiên và công tác quản lý lâu dài cũng như các nhu cầu về đầu tư và chuẩn bị các kế hoạch hoạt động về cung cấp nước và vệ sinh của các tỉnh.

+ Nâng cao năng lực đánh giá việc thực hiện của các chương trình đang tiến hành, các khoản đầu tư và có những điều chỉnh phù hợp với quản lý đầu tư và chương trình.

5.2. Kết quả chủ yếu của Chương trình.

Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 08 tỉnh đồng bằng sông Hồng hướng đến xây dựng, cải tạo điều kiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh trực tiếp cho hơn 1,7 triệu người dân tại 240 xã thuộc 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận, cụ thể:

- 340.000 điểm đấu nối cấp nước tới hộ gia đình thông qua các hệ thống cấp nước tập trung cho khoảng 240 xã;

- 1.440 công trình vệ sinh công cộng được xây mới hoặc cải tạo;

- 130.000 nhà tiêu hộ gia đình được xây mới hoặc cải tạo;

- Các cộng đồng hiểu biết và nhận thức tốt hơn về nước sạch và vệ sinh;

- Năng lực của chính quyền Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh được cải thiện trong công tác quản lý, giám sát và điều hành lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.

5.3. Các hợp phần của Chương trình.

- Hợp phần 1 - Cải thiện điều kiện cấp nước: Đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung qui mô xã và liên xã nhằm cung cấp nước sạch cho khoảng 240 xã tại 8 tỉnh, chất lượng nước đạt QCVN 02/BYT. Đối với cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, các hộ gia đình được tiếp cận tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Hợp phần 2 - Cải thiện điều kiện vệ sinh: Bao gồm việc xây dựng các nhà vệ sinh đạt qui chuẩn quốc gia tại trường học, trạm xá. Đối với vệ sinh hộ gia đình, Chương trình sẽ hỗ trợ đầu tư để xây dựng mẫu nhà vệ sinh hộ gia đình tại các gia đình chính sách, gia đình nghèo và cận nghèo (mức hỗ trợ theo qui định của CTMTQG); các hộ gia đình sẽ được tiếp cận nguồn vốn thông qua phương thức cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 để cải tạo hoặc xây mới nhà vệ sinh hộ gia đình;

- Hợp phần 3 - Nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, đánh giá và quản lý Chương trình: Bao gồm đào tạo và xây dựng năng lực cho ngành cấp nước và vệ sinh ở trung ương cũng như tại 8 tỉnh, năng lực giám sát và đánh giá, quản lý chất lượng nước, lập kế hoạch và tăng tính bền vững của các công trình cấp nước. Các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông (IEC) được thiết kế để thúc đẩy thay đổi hành vi vệ sinh, tăng nhu cầu về vệ sinh và tạo ra những thay đổi về kết quả vệ sinh trên phạm vi toàn xã, toàn tỉnh.

6. Tổng vốn của Chương trình.

Tổng kinh phí: 230.500.000 USD, trong đó

- Vốn vay WB: 200.000.000 USD

- Vốn đối ứng từ ngân sách: 10.500.000 USD

- Vốn đóng góp từ cộng đồng: 20.000.000 USD

Ngoài ra các nguồn vốn khác cũng sẽ được huy động để phục vụ cho mục tiêu của Chương trình.

7. Cơ chế tài chính và giải ngân.

7.1. Đối với nguồn vốn WB:

Vốn vay của Ngân hàng Thế giới sẽ được phân bổ và sử dụng theo Luật ngân sách Nhà nước; theo đó kinh phí hàng năm của Chương trình dựa trên kết quả sẽ được Trung ương phân bổ cùng với kinh phí của CTMTQG nhưng sẽ được thể hiện riêng phần vốn vay của tỉnh;

+ Ngân sách trung ương cấp phát cho Bộ NN&PTNT cho các hoạt động Bộ trực tiếp thực hiện.

+ Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu một phần, cho vay lại một phần cho ngân sách địa phương đối với các hoạt động do địa phương trực tiếp thực hiện, cụ thể:

Một phần được cấp phát để xây dựng các hệ thống cấp nước tập trung, các công trình vệ sinh công cộng, hỗ trợ các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo (theo qui định hiện hành của CTMTQG).

Phần vốn còn lại sẽ cho các UBND các tỉnh vay lại, đồng tiền cho vay lại là ngoại tệ gốc vay của WB. Điều kiện vay lại tuân thủ Nghị định 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ.

7.2. Vốn đối ứng: vốn ngân sách Nhà nước trung ương sẽ được phân bổ cho các hoạt động triển khai Chương trình ở cấp trung ương; vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh sẽ được sử dụng cho hoạt động Chương trình ở cấp địa phương.

Nguồn vốn đối ứng: 30.500.000 USD (chiếm 13,2%) gồm:

- Vốn đóng góp của dân: 20.000.000 USD

- Vốn ngân sách TW và địa phương: 10.500.000 USD

7.3. Đóng góp của cộng đồng: vốn đóng góp của cộng đồng sẽ được sử dụng cho các hạng mục xây dựng để kết nối với hệ thống cấp nước tập trung (chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư xây dựng Cơ bản của công trình).

7.4. Cơ chế đầu tư, sử dụng vốn.

a) Nguồn vốn xây dựng cơ bản (XDCB) chi phí cho các nội dung:

a.1. Đầu tư công trình cấp nước tập trung (các xã vùng đồng bằng) với cơ cấu đầu tư đề xuất như sau:

- 60% kinh phí cấp phát từ nguồn vốn ODA.

- 30% kinh phí vay lại từ nguồn vốn ODA.

- 10% vốn đóng góp của người sử dụng nước.

(Đối với các xã còn lại thực hiện theo quy định của CTMTQG giai đoạn 2012-2015).

a.2. Đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh công cộng, công tác chuẩn bị đầu tư: 100% kinh phí cấp phát từ nguồn vốn ODA.

a) Nguồn vốn sự nghiệp (chi phí cho các hoạt động hỗ trợ) sẽ được sử dụng cho các hoạt động: Thông tin giáo dục, truyền thông, thay đổi hành vi vệ sinh; Đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các cấp và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực; Quản lý, giám sát; Hội nghị, hội thảo và xây dựng mô hình; Sử dụng 100% vốn ODA được cấp phát.

7.5. Giải ngân: Việc giải ngân cho các cơ quan thực hiện Chương trình sẽ đựa trên cơ sở hoàn thành các chỉ số giải ngân.

8. Tổ chức và thực hiện Chương trình.

8.1. Cấp Trung ương.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: là Bộ quản lý CTMTQG giai đoạn 2012-2015 đồng thời cũng là Cơ quan chủ quản của Chương trình dựa trên kết quả tại 8 tỉnh. Bộ NN&PTNT sẽ chịu trách nhiệm chung trước Chính phủ về việc tổ chức thực hiện, hiệu quả của Chương trình, thực hiện những cam kết với Nhà tài trợ và các quy định về quản lý vốn ODA của Chính phủ.

- Tổng cục Thủy lợi/Văn phòng thường trực CTMTQG: chịu trách nhiệm quản lý nhà nước và giúp việc Ban Chủ nhiệm CTMTQG trong chỉ đạo, điều phối chung, bao gồm cả Chương trình dựa trên kết quả tại 8 tỉnh; Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chung của CTMTQG, hướng dẫn xây dựng kế hoạch Chương trình, thẩm định và tổng hợp kế hoạch của Chương trình vào kế hoạch của CTMTQG; Phối hợp với các bộ ngành, địa phương và Thanh tra bộ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; Tổng hợp kết quả, tổng hợp báo cáo thực hiện Chương trình vào báo cáo chung của CTMTQG; Tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho 08 tỉnh trong thực hiện Chương trình.

- Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có trách nhiệm tổng hợp, kiểm tra tính khả thi của kế hoạch của 8 tỉnh gửi Văn phòng thường trực CTMTQG thẩm định; Giám sát, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện triển khai Chương trình tại 8 tỉnh theo kế hoạch hàng năm; Tổng hợp, báo cáo quý, 6 tháng, năm và kết thúc Chương trình theo quy định về Chuẩn lý sử dụng nguồn vốn ODA và thỏa thuận với WB về Chương trình; Tổng hợp kết quả về các chỉ số giải ngân (DLI), kiểm tra kết quả thực hiện của 8 tỉnh, báo cáo kết quả đầu ra của Chương trình để kiểm toán; Hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật 8 tỉnh về Công tác theo dõi - Đánh giá (M&E) và kết quả đầu ra; Công tác IEC; Quản lý sau đầu tư.

- Thanh tra Bộ: Hướng dẫn và giám sát thực hiện về phòng chống gian lận và tham nhũng trong Chương trình; Hướng dẫn các tỉnh thành lập cơ sở dữ liệu về thông tin phòng chống tham nhũng và gian lận trong quá trình triển khai Chương trình, định kỳ báo cáo Bộ NN&PTNT; Tổng hợp các thông tin tại 8 tỉnh về phòng chống gian lận và tham nhũng, báo cáo Bộ NN&PTNT và WB theo Hiệp định.

- Bộ Y tế: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế và sức khỏe; Có trách nhiệm chỉ đạo công tác vệ sinh và xây dựng các công trình vệ sinh công cộng, vệ sinh hộ gia đình ở nông thôn trong Chương trình, hướng dẫn, phổ biến tiêu chuẩn chất lượng nước sạch nông thôn.

- Kiểm toán nhà nước: Kiểm toán thường niên việc thực hiện CTMTQG nói chung và kiểm toán 8 tỉnh thực hiện chương trình; Kiểm toán để xác định khối lượng và kết quả thực hiện Chương trình tại 8 tỉnh làm cơ sở giải ngân.

8.2. Cấp địa phương.

- Ban chỉ đạo/Ban điều hành CTMTQG là cơ quan thay mặt UBND tỉnh chỉ đạo, quản lý, điều hành việc thực hiện Chương trình đúng mục tiêu, đảm bảo các kết quả đầu ra như cam kết.

- Sở NN&PTNT là cơ quan đầu mối, thường trực CTMTQG và Chương trình dựa trên kết quả, có trách nhiệm xây dựng và tổng hợp kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo và kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình; Phê duyệt kết quả thực hiện và các chỉ số giải ngân của tỉnh trình Ban điều hành Chương trình và báo cáo Bộ NN&PTNT (Qua Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn); Chỉ đạo thực hiện các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực, giám sát đánh giá, thông tin, giáo dục, truyền thông.

- Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh: Giúp việc Sở NN&PTNT, đề xuất kế hoạch Chương trình của tỉnh; Lập báo cáo kết quả thực hiện; Thực hiện công tác theo dõi - đánh giá; Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình; Trung tâm thực hiện chức năng là chủ đầu tư đối với những công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh.

- Sở Y tế: Có trách nhiệm giám sát, kiểm tra chất lượng nước; Chỉ đạo, triển khai thực hiện các hoạt động về vệ sinh; Lựa chọn xây dựng, sử dụng, bảo quản các nhà tiêu hợp vệ sinh; Phối hợp triển khai và phát triển nguồn vốn tín dụng để cải tạo và xây mới các công trình vệ sinh. Sở Y tế đóng vai trò chủ chốt trong việc giám sát, đánh giá chất lượng xây dựng nhà vệ sinh.


Không có dữ liệu!