Đang tải...
Ngày đăng: 20/01/2025
Đồng Nai là tỉnh khá rộng lớn, là thủ phủ chăn nuôi của cả nước và đang phát triển mạnh về công nghiệp, đô thị. Trong đó các huyện, thành phố phía Bắc gồm: Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán và TP. Long Khánh là vùng chăn nuôi lớn của tỉnh, lại nằm cuối dãy Trường Sơn nên có địa hình đồi núi nhấp nhô khiến việc thi công đường ống nước sạch gặp nhiều khó khăn.
Nguồn nước ngầm, giếng khoan nhiễm vôi, phèn và luôn bị cạn kiệt vào mùa khô (giáp Tết) ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân các địa phương, trong đó có đồng bào các DTTS. Nhiều doanh nghiệp cấp nước đã không triển khai được đường ống dẫn nước do địa hình phức tạp, vốn đầu tư cao. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chuyến khảo sát bên ngoài, mời gọi doanh nghiệp về đầu tư, tham gia phát triển nước sạch và xử lý môi trường cùng với tỉnh.
Công ty cổ phần Cấp Nước Gia Tân – Giwaco thuộc Tổng Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương – Biwase trở lại hoạt động theo lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhằm góp phần giải "cơn khát" nước sạch cho người dân các huyện phía Bắc vốn đã kéo dài nhiều năm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thống Nhất cho biết: Trước đây, chúng tôi có 2 hệ thống cấp nước. 1 từ nhà máy nước Gia Tân và 1 từ Chương trình Nước sạch Nông thôn. Nhưng cả 2 đều không hiệu quả vì khó khăn trong phát triển hệ thống đường ống và chất lượng nước không bảo đảm.
Chỉ sau 2 năm từ khi Nhà máy nước sạch Gia Tân trở lại hoạt động, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch của huyện đã vượt trên 90%. Tỷ lệ này có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường, phát triển đô thị và kinh tế - xã hội của huyện.
Ông Lê Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho hay: Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, hệ thống nước sạch đầu tư từ Chương trình 134, 135 qua thời gian sử dụng, nay đã dừng hoạt động, do nguồn nước ngầm cạn kiệt, ô nhiễm, không đạt chuẩn. Hiện nay có nước sạch từ hệ thống cấp nước Gia Tân, UBND huyện đã xây dựng chương trình và kế hoạch phát triển nước sạch năm 2025. Trong đó, UBND huyện đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh sớm có văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần cấp nước Gia Tân thực hiện đấu nối hệ thống cấp nước đô thị cho các xã: Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray, Lâm San, Xuân Bảo và xã Bảo Bình trên địa bàn huyện để hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch trong bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.
Tết này không lo thiếu nước sạch
Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Gia Tân vui mừng thông tin: Hiện nay, hệ thống cấp nước sạch của chúng tôi đã về đến trung tâm các huyện, xã, kể cả các xã, ấp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS như ấp Bến Nôm, xã Phú Cường, huyện Định Quán, xã Cẩm Đường huyện Cẩm Mỹ…Tết này bà con không còn lo thiếu nước sạch như các năm trước.
Sau hơn 4 năm trở lại hoạt động (tháng 4 năm 2000), nước sạch do Công ty cổ phần Cấp nước Gia Tân đã phát triển đến các trung tâm huyện lỵ, các xã, ấp vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Trung bình năm 2024, Công ty đã phát triển 116.767m ống các loại. Nâng tổng chiều dài mạng lưới lên 354.810 mét bao phủ địa bàn các huyện phía Bắc của tỉnh Đồng Nai: Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán…
Làm thế nào để đưa nước sạch vượt qua địa hình nhấp nhô đồi núi, và chỉ trong thời gian 4 năm đã bao phủ địa bàn rộng lớn…, ông Lê Thanh tùng, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Cấp Nước Gia Tân cho biết: Nhiều nơi khoảng cách chỉ vài trăm mét nhưng chênh lệch độ cao đến vài chục mét khiến nhiều đơn vị trước đây phải rút lui vì không triển khai được đường ống dẫn nước.
Được sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổng công ty Biwase chúng tôi dùng kỹ thuật khoan ngầm, để vừa rút ngắn khoảng cách vừa giảm chênh lệch độ cao (các biện pháp thi công đều được cơ quan chức năng cấp phép) kết hợp công nghệ Scada tự động tăng áp, điều áp, để khách hàng cuối nguồn cũng có nước sử dụng như khách hàng ở đầu nguồn.
Chúng tôi đã tìm gặp ông Bùi Huy Đăng (dân tộc Mường) là Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Lập, xã Phú Túc, huyện Định Quán. Ông Đăng cho biết: Ấp có 624 hộ, 2.745 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm 80% sống tập trung tại 10 khu dân cư. Trước đây người dân trong ấp được sử dụng nước sinh hoạt từ các chương trình nước sạch 134, 135. Nhưng do chất lượng nước không bảo đảm, nên chỉ để tắm giặt, tưới cây.
Mùa khô phải mua nước từ nơi khác chở đến để nấu ăn rất tốn kém. Năm nay nhờ Công ty Cấp Nước Gia Tân đưa nước sạch theo hệ thống nước sạch nông thôn về đến tận các xã, ấp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nên bà con rất vui mừng vì bảo đảm sức khoẻ, tiện lợi, tiết kiệm. Nước sạch sẽ góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ tại các khu dân cư trong ấp.
Còn ông Điểu Văn Thành (dân tộc Chơro), Trưởng ấp Đức Thắng, xã Túc Trưng, huyện Định Quán phấn khởi nói: “Ấp chúng tôi có 386 hộ, 1.660 nhân khẩu, trong đó người Chơro chiếm 50%. Biết tin nước sạch của Nhà máy Nước Gia Tân đã về đến xã, ấp, người dân rất mừng, liên hệ đăng ký sử dụng để bảo đảm sức khoẻ. Tết này bà con không còn lo thiếu nước sạch nữa rồi”.
Nguồn: baodantoc.vn/