Đang tải...
Ngày đăng: 05/02/2025
Ngành cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp trọng tâm nhằm hóa giải thách thức về biến động dân số cơ học, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đã và đang trực tiếp tác động đến hệ thống cấp nước sạch của thành phố. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ, kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước, qua đó phục vụ cung cấp nước sạch an toàn cho gần 11 triệu người dân thành phố.
Ngay trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Dự án lắp đặt tuyến ống cấp 1 đường Nguyễn Văn Quỳ- Nguyễn Văn Linh (từ sông Sài Gòn đến giao lộ Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7) đã hoàn tất thi công, với nỗ lực rút ngắn tiến độ thi công của đội ngũ kỹ sư và công nhân Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco).
Nâng chiều dài mạng lưới cấp nước trên địa bàn thành phố
Trước đó, Sawaco đưa vào sử dụng công trình lắp đặt tuyến ống cấp 1 đường Nguyễn Văn Linh, thuộc phía tây thành phố gồm các Quận 7, 8, huyện Bình Chánh (từ Hương lộ 34 đến Quốc lộ 1A).
Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Sawaco cho biết: Dự án có tổng mức đầu tư là 850 tỷ đồng. Với việc lắp đặt hơn 16 km đường ống các cỡ D800, D1.000, D1.200, trong đó có gần 4.000m được thực hiện bằng phương pháp khoan kéo để vượt qua 9 con sông, rạch lớn và các nút giao thông trọng điểm thì đây vừa là một trong những tuyến ống truyền tải nước sạch mang tính chiến lược của thành phố, vừa bảo đảm điều hòa áp lực và cung cấp nguồn nước sạch hiệu quả, liên tục, an toàn cho người dân tại khu đô thị Nam Sài Gòn (các Quận 7, 8, huyện Bình Chánh và Nhà Bè). Riêng khu vực cuối nguồn huyện Bình Chánh sau khi tiếp nhận nguồn nước từ tuyến ống D1.000 (đường kính 1m) Nguyễn Văn Linh đã cải thiện áp lực và lưu lượng đáng kể. Ngoài ra, Dự án phát triển mạng lưới cấp 1 tuyến đường Nguyễn Cửu Phú, thuộc quận Bình Tân và huyện Bình Chánh (từ đường Võ Văn Vân đến Nguyễn Văn Linh) đã triển khai thi công và hoàn tất với 10.330m ống, giúp cung cấp nguồn nước sạch cho người dân khu vực vùng ven và ngoại thành. Qua đó, nâng chiều dài mạng lưới cấp nước trên địa bàn thành phố lên gần 11.000 km.
Lãnh đạo Sawaco chia sẻ: Để hướng tới phát triển bền vững, từ nay đến năm 2030 Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn phát triển mạng lưới cấp nước gồm xây dựng các hệ thống truyền tải nước sạch khoảng 80 km, tăng công suất cấp nước lên 3,6 triệu m3/ngày (đến năm 2030), đồng thời tăng năng lực ứng phó, dự trữ nguồn nước như xây dựng các cụm hồ chứa nước thô (dung tích đến 10 triệu m3), xây dựng Trạm bơm nước thô (630.000 m3/ngày), đầu tư tuyến ống truyền tải nước thô dài từ 15 đến 20 km...
Tăng cường kiểm soát chất lượng nước đầu vào
Tính đến nay tổng công suất cấp nước của các nhà máy trên toàn thành phố đạt 2,4 triệu m3/ngày đêm, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nước sạch là 2,5 triệu hộ dân (đạt tỷ lệ 100%). Trong đó, Nhà máy nước Thủ Đức đảm nhận cấp nước chủ lực ở phía đông và đông bắc thành phố với công suất ổn định ở mức là 850.000 m3/ngày. Ngoài ra, Nhà máy nước Tân Hiệp đảm nhận cấp nước ổn định cho người dân ở phía tây và tây nam thành phố với công suất cấp nước là 300.000 m3/ngày. Tuy nhiên, thách thức đặt ra với ngành cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh là nguy cơ mất an toàn nguồn nước khá cao khi đầu nguồn các tỉnh, thành phố phát triển mạnh công nghiệp, nông nghiệp và đô thị hóa, các chất thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của phía thượng nguồn. Bên cạnh đó, lưu vực này còn chịu tác động từ biến đổi khí hậu...
Tổng Giám đốc Sawaco Trần Quang Minh cho hay, hiện 96% nguồn nước thô của thành phố được khai thác từ hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn (trong đó khu vực Thành phố Hồ Chí Minh là khu vực cuối nguồn của hệ thống sông này và chịu ảnh hưởng của sáu, bảy tỉnh, thành phố phía thượng nguồn). Do đó, nhằm bảo đảm an toàn cấp nước, tại hai cụm Nhà máy nước Thủ Đức và Tân Hiệp đều xây dựng Quy chế phối hợp vận hành để việc cấp nước trong vùng phục vụ tương ứng của cụm có sự phối hợp chặt chẽ và kịp thời bù đắp sản lượng thiếu hụt khi một trong các nhà máy thuộc cụm có sự cố. Đồng thời, Sawaco cũng xây dựng các bể chứa nước sạch tại các nhà máy nước để tăng dung tích lưu trữ.
Sawaco còn đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 trang bị hệ thống SCADA tại Nhà máy nước Thủ Đức và Nhà máy nước Tân Hiệp nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, chất lượng nước sạch và tự động hóa trong một số khâu sản xuất. Về lâu dài, đơn vị đang triển khai dự án nâng cấp hệ thống SCADA giai đoạn 2 hướng đến tự động hóa hoàn toàn các nhà máy nước. Đáng chú ý, vào cao điểm mùa khô, các nhà máy nước chủ động theo dõi tình hình chất lượng nước thô, giám sát tình hình nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước trên lưu vực các sông Sài Gòn, Đồng Nai và Kênh Đông để chủ động xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý; phối hợp chặt chẽ với Công ty Thủy điện Trị An và Công ty Khai thác thủy lợi miền Nam để vận hành tối ưu tài nguyên nước tại hồ thủy lợi Dầu Tiếng và hồ thủy điện Trị An, bảo đảm ổn định chất lượng nước tại các điểm khai thác nước thô.
Ngành cấp nước thành phố cũng hoàn thiện hệ thống phân phối như phân vùng tách mạng, kiểm soát tỷ lệ nước bị thất thoát. Thực hiện Chương trình chấm dứt khai thác nước ngầm giai đoạn 2021-2025, đến nay thành phố chỉ còn duy trì vận hành 5 trạm giếng và 2 nhà máy nước với công suất khai thác khoảng 37.515 m3/ngày, bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của thành phố với sản lượng không vượt quá 50.000 m3/ngày đêm. Sawaco còn xây dựng hệ thống cấp nước thông minh, hướng đến uống nước tại vòi. Cụ thể, mới đây Sawaco đã lắp đặt 9 trụ nước uống trực tiếp tại vòi ở khu vực Quận 3 (tại khu vực công cộng, trường học, bảo tàng...) phục vụ người dân và du khách; hướng đến cung cấp nước uống trực tiếp tại vòi rộng rãi trên địa bàn thành phố trong năm 2025 ■
Nguồn: Báo Nhân dân