Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Ưu tiên thực hiện các giải pháp ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch

Ngày đăng: 11/02/2025

Trước thực trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch hiện nay, TP. Hà Nội đang ưu tiên thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường cho dòng sông Tô Lịch.

Sông Tô Lịch có chiều dài hơn 14km, bắt nguồn từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), đổ ra sông Nhuệ - đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Ảnh internet

Sông Tô Lịch có chiều dài hơn 14km, bắt nguồn từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), đổ ra sông Nhuệ - đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt. Hầu hết lượng nước thải này không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông.

Từng là một dòng sông thơ mộng, nhưng hiện tại sông Tô Lịch đã trở thành dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hơn 10 năm qua, để "hồi sinh" sông Tô Lịch, TP. Hà Nội đã tập trung nhiều nguồn lực, nhiều lần thử nghiệm, triển khai đề án cải tạo, làm sạch nước sông… hy vọng hồi sinh các đoạn sông Tô Lịch chảy qua nội thành.

Điển hình, để giảm tình trạng ô nhiễm, TP. Hà Nội đã đầu tư dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (trên địa bàn huyện Thanh Trì) với kỳ vọng sẽ làm 'hồi sinh' sông Tô Lịch và các dòng sông khác đang bị ô nhiễm. Sau 8 năm xây dựng, ngày 1/12/2024, Hà Nội bắt đầu vận hành thử nghiệm dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, với công suất 100.000 m3/ngày đêm. Thời gian vận hành thử trong vòng 6 tháng. Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được kỳ vọng sẽ làm "sống lại" sông Tô Lịch.

Ông Hoàng Trọng Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội cho biết, hiện hầu hết các cống nước thải dọc sông Tô Lịch đã được thu gom, đưa vào nhà máy nước thải Yên Xá xử lý. Theo quy trình, nước sau xử lý đạt chuẩn sẽ được bơm vào sông Nhuệ, sau đó sẽ chảy vào sông Đáy và hòa vào biển. Từ 3/12, lượng nước thải của các hộ dân không còn đổ ra sông Tô Lịch mà chảy vào đường ống gom để đưa về nhà máy xử lý.

Mới đây, để cải thiện môi trường cho dòng sông Tô Lịch lãnh đạo TP. Hà Nội giao đã UBND quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành thành phố nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành Trung ương về việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, khẩn trương đề xuất phương án sử dụng nguồn nước từ sông Hồng và nguồn nước sau xử lý của nhà máy xử lý nước thải hồ Tây để bổ sung nước cho hồ Tây thông qua hồ trung gian là hồ Sen, đồng thời bảo đảm không ảnh hưởng đến hệ sinh thái hồ Tây.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND quận Tây Hồ thường xuyên tiến hành quan trắc, đánh giá chất lượng nguồn nước sau xử lý của Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây để nước thải sau xử lý bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định.

Về chỉnh trang 2 bên sông Tô Lịch, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện khu vực dọc sông Tô Lịch thực hiện công tác trang trí, vệ sinh môi trường bảo đảm cảnh quan đô thị khu vực ven sông. Trước mắt, UBND các quận, huyện dọc sông Tô Lịch thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, đất thải, trồng cây, cây hoa, cây cảnh tạo cảnh quan.

Đồng thời, giao Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án lấy nước từ hồ Tây để bổ cập cho sông Tô Lịch trong trường hợp cần thiết để giữ mực nước sông Tô Lịch qua cửa điều tiết hồ Tây A - Cống Đõ - Mương Thụy Khuê hoàn thành trong tháng 8/2025.

Về lâu dài, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Tây Hồ rà soát các quy hoạch có liên quan, nghiên cứu kỹ, đề xuất phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công (có kết nối với việc bổ cập nước giai đoạn trước mắt đã triển khai) bảo đảm vừa bổ cập nước sông Tô Lịch vừa điều tiết mực nước hồ Tây được ổn định.

Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc cải tạo cảnh quan và chỉnh trang đô thị liên quan đến sông Tô Lịch nói riêng, cũng như 3 dòng sông còn lại trong nội đô là Kim Ngưu, Lừ, Sét, đang được nghiên cứu gồm 5 nội dung.

Cụ thể, cải tạo thống nhất không gian kiến trúc cảnh quan hai bên bờ gắn với lòng sông nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, tạo dựng các trục cảnh quan của thành phố. Bờ kè dọc sông được phủ xanh và tạo dựng không gian nhiều tầng, bậc; kết hợp chỉnh trang và chiếu sáng các không gian trọng điểm nhằm tăng giá trị thẩm mỹ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa.

Ông Võ Nguyễn Phong cho biết, toàn bộ nội dung trên thể hiện trong Đề án cải tạo môi trường của 4 con sông. Hiện Đề án đang ở giai đoạn hoàn thiện để sớm báo cáo UBND thành phố cũng như Thường trực, Thường vụ Thành ủy.

Về các nguồn xả vào sông Tô Lịch, Sở Xây dựng Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã rà soát các cửa xả sau khi thi công hệ thống đường ống và hố ga thu gom nước thải dọc hai bên sông về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá. Kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy, đoạn bờ trái từ đường Hoàng Quốc Việt đến đập Thanh Liệt và bờ phải đoạn từ đường Lê Văn Lương đến đập Thanh Liệt có 182 cửa xả đã được xây dựng hệ thống cống bao và các giếng tách, thu gom nước thải thuộc phạm vi gói thầu số 2 - Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Tuy nhiên, hiện còn 26 cửa xả nước vào sông Tô Lịch chưa xây dựng và đoạn bờ phải từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường Lê Văn Lương có khoảng 55 cửa xả chưa được tách nước thải, không thuộc phạm vi gói thầu số 2.

Về vấn đề này, ông Võ Nguyên Phong cho hay, UBND Thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội xây dựng phương án xử lý. Theo đó, tiếp tục xây dựng 26 cống xả trong phạm vi gói thầu số 2, đưa nước xả về nhà máy. 55 cống xả ngoài phạm vi dự án, đơn vị tư vấn đã khảo sát lưu lượng và đánh giá khả năng thu gom bổ sung của đường ống về nhà máy, làm cơ sở báo cáo thành phố bổ sung vào dự án.

Hà Nội quyết tâm "hồi sinh" sông Tô Lịch trước ngày 2/9/2025

Thời hạn "hồi sinh" sông Tô Lịch đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chốt trước ngày 2/9/2025. Do đó, các sở, ngành liên quan đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều phương án cải thiện môi trường cho dòng sông, nhằm đạt tiến độ đã đề ra.

Trong đó, phương án bổ cập nước vào sông Tô Lịch được thành phố chia thành 2 giai đoạn, trước mắt và lâu dài, thể hiện sự cẩn trọng, tìm ra phương án tối ưu nhất. Thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành về việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Phương án đề xuất là sử dụng nguồn nước từ sông Hồng và nguồn nước sau xử lý của Nhà máy Xử lý nước thải hồ Tây để bổ cập nước cho hồ Tây, qua hồ trung gian là hồ Sen, bảo đảm không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ Tây, sau đó đưa nước hồ Tây vào sông Tô Lịch.

Nước từ hồ Tây sẽ được bổ cập cho sông Tô Lịch qua cửa điều tiết hồ Tây A - Cống Đõ - mương Thụy Khuê. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án bổ cập nước từ hồ Tây cho sông Tô Lịch, hoàn thành trong tháng 8/2025.

Theo phương án được Sở Xây dựng đề xuất: Xây dựng tuyến ống đường kính 1,2m, dài khoảng 5,3km, lấy nước từ sông Hồng, qua đê, chạy dọc đường Võ Chí Công và đổ trực tiếp vào sông Tô Lịch tại nút giao Hoàng Quốc Việt. Đồng thời, trên tuyến bố trí đầu chờ đưa nước vào Đầm Bảy (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) chờ xử lý trước khi xả vào hồ Tây. Đây được coi là phương án tối ưu nhất.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, phương án này có thể thực hiện ngay mà không ảnh hưởng đến việc triển khai Đề án quy hoạch quản lý hồ Tây do UBND quận Tây Hồ thực hiện. Đây cũng là phương án có thể thi công nhanh, không phải giải phóng mặt bằng vì đường ống nằm trên hành lang giao thông hiện có.

Nhằm bảo đảm việc thu gom triệt để toàn bộ nguồn nước thải quanh hồ Tây, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận Tây Hồ sẽ đẩy nhanh các thủ tục và triển khai đầu tư dự án hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải xung quanh hồ Tây. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, thường xuyên quan trắc, đánh giá chất lượng nguồn nước sau xử lý của Nhà máy Xử lý nước thải hồ Tây để bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định.

PGS. TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhận định, việc "hồi sinh" làm sạch dòng sông Tô Lịch là điều rất cần thiết và cũng là mong muốn từ lâu của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, để hiện thực hóa kế hoạch trên, ngoài giải pháp cơ học là bổ cập nước sạch từ sông Hồng vào để rửa trôi dòng nước bẩn, nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch, thành phố Hà Nội và các cơ quan chuyên môn cần kiên quyết trong xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc tuân thủ chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, di dời các cơ sở gây ô nhiễm không phù hợp.

Về việc bổ cập nước sông Hồng vào rửa sạch sông Tô Lịch, ông Tứ khuyến nghị thành phố Hà Nội cần đưa ra cách làm phù hợp từ việc xây dựng đường ống, lựa chọn máy bơm, để việc thực hiện bổ cập nước được tiến hành thuận lợi nhất và phát huy hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, không chỉ xử lý sông Tô Lịch, thành phố cũng cần lưu ý với 3 con sông nội đô còn lại, bởi không gian ô nhiễm rất rộng. Thực hiện toàn diện như vậy mới tạo ra những trục cảnh quan đẹp cho thành phố.

Đồng quan điểm với PGS. TS. Đào Trọng Tứ, PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho biết, việc Hà Nội quyết tâm cao làm sống lại các con sông trong nội đô được nhiều người dân đồng tình, ủng hộ. Bởi sông ô nhiễm là vấn đề không chỉ liên quan đến môi trường sống, mà còn ảnh hưởng đến an sinh, sức khỏe con người. Dòng sông được ví như mạch máu của thành phố, tạo cảnh quan, giá trị văn hóa của Hà Nội.

PGS. TS Bùi Thị An đánh giá, các giải pháp đưa ra lần này hết sức hợp tình, hợp lý, kết hợp cả giải pháp tình thế, bổ trợ với giải pháp căn cơ, đồng bộ, nhằm giải quyết gốc lõi của tình trạng ô nhiễm. Thành phố không chỉ nghiên cứu phương án dẫn nước từ sông Hồng vào rửa trôi ô nhiễm, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch, mà còn đồng bộ thu gom, xử lý các nguồn xả thải ra sông; cải tạo cảnh quan, nạo vét dòng sông… Theo PGS. TS Bùi Thị An, thành phố nên lưu tâm đánh giá tác động đến dòng chảy của sông vì chức năng của sông Hồng là dòng chảy, là phù sa.

Cùng chung quan điểm khi đánh giá phương án lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch là phù hợp, GS Võ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, giải pháp bổ cập nước vào rửa sạch sông Tô Lịch sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi chặn được hoàn toàn các nguồn ô nhiễm đổ vào dòng sông. Bởi nếu chỉ bổ sung nước mà không kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải thì hiệu quả sẽ không duy trì được lâu dài.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để dòng sông Tô Lịch thực sự hồi sinh, cần một giải pháp tổng thể, trong đó có việc cải thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị. Trong đó, bổ cập nước chỉ là một phần của bài toán. Điều quan trọng là phải giảm thiểu ô nhiễm ngay từ nguồn, có biện pháp nạo vét bùn đáy và xử lý nước trước khi đổ vào sông.

Ngoài ra, vấn đề thoát nước khi thực hiện phương án bổ cập cũng cần phải được tính toán kĩ lượng ngay từ đầu, Bởi, nếu không có hệ thống điều tiết hợp lý, lượng nước bổ sung có thể gây ảnh hưởng đến hạ tầng thoát nước chung của thành phố, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Để phương án bổ cập nước phát huy hiệu quả tối đa, Hà Nội cần có lộ trình rõ ràng, theo dõi sát sao tác động của dự án và có phương án điều chỉnh khi cần thiết. Về lâu dài, thành phố cần một chiến lược tổng thể hơn, bao gồm việc quản lý nguồn thải, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên của dòng sông. Nếu được hồi sinh đúng cách, sông Tô Lịch có thể trở thành biểu tượng mới của một Hà Nội xanh, sạch và bền vững trong tương lai.

 

Nguồn: thanglong.chinhphu.vn/

message zalo