Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân vùng hạn, mặn

Ngày đăng: 15/10/2020

 

Năm 2020 là một năm có nhiều biến động lớn, khó lường, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long làm khoảng 96.000 hộ (khoảng 430.000 người dân) thiếu nước sinh hoạt, tập trung tại 7 tỉnh là: Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An, Trà Vinh... Để giúp nhân dân vượt qua khó khăn, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân vùng hạn, mặn có đủ nước sinh hoạt sử dụng.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng trong nước và thế giới, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công trong những tháng cuối năm 2020 có khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy điện thượng nguồn hiện đang ở mức thấp, do đó các hồ thủy điện sẽ tăng cường tích nước, cùng với sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước của các nước thượng nguồn sông Mê Công nên tổng lượng dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô 2020-2021 có khả năng thiếu hụt từ 20-35% so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận định, mùa khô năm 2020-2021, hạn, mặn có khả năng làm hơn 70 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt.

Hiện nay, các bộ, ngành và địa phương đang xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm ứng phó với hạn, mặn, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Văn Hiểu cho rằng, những tháng mùa khô hàng năm, cao điểm từ tháng 2 đến tháng 4, nhiều huyện, thị xã ven biển bị nước mặn xâm nhập sâu, trong khi nước ngọt từ thượng nguồn đổ về ít. Trong mùa khô năm 2019-2020, hạn hán, mặn xâm nhập mặn khiến hơn 26.500 hộ dân trên địa bàn bị thiếu nước sinh hoạt. Dự báo, mùa khô 2020-2021, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập ảnh hưởng đến dân sinh. Để kịp thời ứng phó, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt; khuyến cáo người dân sử dụng nước ngọt một cách khoa học, tiết kiệm. Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo đến người dân về tình hình hạn mặn để có giải pháp ứng phó; tiếp tục mở mang các hệ thống cấp nước để phục vụ cho nhân dân…Còn tại An Giang, hiện nay UBND tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020-2021. Theo đó, UBND tỉnh An Giang yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố, sở, ban, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn để chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch và phương án ứng phó với hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến việc thiếu nước của người dân. Các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tập trung nguồn vốn để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021. Ðặc biệt, tỉnh yêu cầu các huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp trữ nước và sử dụng nước hiệu quả để đảm bảo nhu cầu về nước sinh hoạt …

Còn về lâu dài, để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn, mặn, các bộ, ngành, địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn để chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cần xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân với phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, cần huy động cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc, tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trong đó mỗi gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xóm, ấp, làng, xã, huyện, tỉnh cần chủ động có giải pháp phù hợp để dự trữ nước ngọt ngay từ cuối mùa mưa nhằm bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt trong các tháng mùa khô; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước; kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang khu vực nông thôn để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tổ chức rà soát, cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt tới từng hộ, thôn/ấp, xã, huyện, tỉnh, nhất là ở các vùng ven biển thường xuyên thiếu nước sinh hoạt để có giải pháp bảo đảm nguồn nước phù hợp; tăng cường sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, như: bể, bồn, lu, túi đựng nước và các hình thức khác…

message zalo