Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Bến Tre xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Ngày đăng: 11/04/2017

(Mard-11/04/2017) - Tỉnh Bến Tre đang triển khai xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2025 theo Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre. 
Theo đó, 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực được tỉnh Bến Tre lựa chọn là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao gồm: bưởi, dừa, chôm chôm, nhãn, hoa cảnh, lợn, bò và tôm biển. Trước mắt, từ năm 2016- 2018, tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản gồm xây dựng thương hiệu, đề xuất và hoàn thiện chuỗi, hướng dẫn xây dựng và hình thành ít nhất 1 hợp tác xã kiểu mới cho mỗi sản phẩm tham gia chuỗi giá trị. Riêng đối với sản phẩm dừa, tập trung hướng dẫn hoàn thiện chuỗi giá trị theo hướng phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu sản phẩm mạnh và hình thành ít nhất 2 hợp tác xã kiểu mới. 
Từ năm 2019 - 2020, tỉnh sẽ nâng cấp chuỗi giá trị và tổ chức nhân rộng. Mỗi năm, tỉnh xây dựng và hình thành ít nhất một hợp tác xã kiểu mới cho mỗi sản phẩm tham gia chuỗi giá trị. Giai đoạn 2021- 2025, Bến Tre tiếp tục phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đã hình thành theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng cao; đẩy mạnh thị trường xuất khẩu và nhân rộng đối với một số sản phẩm nông nghiệp khác. Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, qua gần 8 tháng triển khai xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực , Bến Tre đã thành lập 76 tổ hợp tác ký hợp đồng bao tiêu dừa trái, có 1.853 hộ tham gia, với diện tích 1.430 ha. Ngành nông nghiệp phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời triển khai chuỗi giá trị bưởi da xanh tại huyện Châu Thành và thành phố Bến Tre, có 121 hộ tham gia với diện tích gần 62 ha. Cùng với đó, Bến Tre đã thành lập được 207 trang trại chăn nuôi; trong đó, có 18 cơ sở chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận VietGAP và bước đầu kết nối với Công ty Vissan trong tiêu thụ. 
Tỉnh Bến Tre cũng đã xây dựng chỉ dẫn địa lý trong xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm như bò Ba Tri, sầu riêng Cái Mơn, bưởi da xanh Bến Tre, dừa xiêm Bến Tre. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng đã vận động nông dân liên kết, hợp tác để xây dựng chuỗi đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, lợn, bò, tôm biển 
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi cho biết, dù đã được những kết quả bước đầu, nhưng nhận thức của nhiều địa phương về xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh còn chưa đầy đủ nên trong quá trình triển khai thực hiện đôi lúc còn lúng túng và kết quả đạt được còn hạn chế. Đặc biệt, việc quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp chưa được các ngành, các cấp và nông dân quan tâm, nên làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Từ đó, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người dân. 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, đến nay toàn tỉnh có trên 70.000 ha trồng dừa; diện tích cây ăn trái ước khoảng trên 27.000 ha, diện tích trồng cây hoa kiểng gần 750 ha. Tỉnh đã hình thành các vùng nuôi tôm biển tập trung chuyên canh, thâm canh tại ba huyện biển là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú./. 
message zalo