Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Cà Mau: Khi nước sạch về vùng khô hạn

Ngày đăng: 25/02/2022

 

U Minh là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với hơn 1.000 hộ. Bước vào mùa khô hạn, người dân lại lo lắng thiếu nước ngọt sinh hoạt. Thời gian qua, do nguồn nước một số nơi bị nhiễm phèn, mặn nên nhiều hộ phải tốn thêm chi phí mua và công sức để có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Ðể giúp người dân giảm bớt nỗi lo, các cấp, các ngành đã khảo sát và thực hiện nhiều chương trình, dự án mang nước sạch đến với bà con: xây dựng những công trình trạm cấp nước; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các máy lọc nước công suất lớn phục vụ người dân vùng bị ảnh hưởng, góp phần giúp người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tiếp cận được nguồn nước sạch phục vụ cuộc sống.

Khoảng 230 hộ dân Ấp 2, xã Khánh Hoà từng rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng của huyện từ năm 2016. Do chưa có nước nối mạng nên từ mấy chục năm trước, người dân nơi đây chủ yếu sử dụng nguồn nước mưa và nước ngầm từ giếng khoan. Tuy nhiên, nước bị mặn và nhiễm phèn nặng nên chủ yếu dành để tắm, giặt giũ, còn việc ăn uống có hộ sử dụng nước mưa, hoặc đổi (mua) nước bình khiến chi phí tăng lên.

Năm 2019, UBND xã Khánh Hoà đã vận động xã hội hoá tài trợ 1 hệ thống máy lọc nước với công suất trên 2.000 lít nước/ngày, đáp ứng nhu cầu sử dụng của trên 100 hộ dân thiếu nước trên địa bàn ấp. Bà con ai cũng mừng vì có nước sạch để dùng mà không tốn quá nhiều chi phí.

Chị Lâm Thị Chuyền (Ấp 2, xã Khánh Hoà) chia sẻ: “Trước đây, nước giếng khoan còn bị đục, chỉ để giặt giũ, tắm, rửa, còn ăn uống thì phải tranh thủ trời mưa hứng đầy hết các lu, khạp. Có năm hạn dai thì không đủ nước xài, để có nước sạch phải đổi nước bình dưới ghe hàng với giá từ 12.000-14.000 đồng/bình 20 lít. Nhà có 6 người nên mỗi tháng sử dụng tiết kiệm lắm cũng hết 15 bình, tốn khoảng 200.000 đồng. Từ khi xã vận động được hệ thống lọc nước sạch về ấp, mỗi lần đi lấy nước mình chỉ đóng 2.000 đồng/bình 20 lít để góp chi trả tiền điện hàng tháng, không còn lo thiếu nước sạch ăn, uống vào mùa khô mà còn an tâm, tiết kiệm nữa”.

“Trước đây, thiếu nước ngọt sinh hoạt cũng diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn xã Nguyễn Phích. Việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch là vấn đề lớn luôn được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Khi công trình Trạm Cấp nước sạch xã Nguyễn Phích được hoàn thành đưa vào hoạt động từ tháng 4/2020, đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 770 hộ, thuộc địa bàn Ấp 1 đến Ấp 8, với công suất 960 m3/ngày đêm. Giá nước 10 khối đầu là 5.300 đồng/m3, gia đình thuộc diện hộ nghèo được giảm còn 4.400 đồng/m3, còn lại 10 khối sau có giá 6.400 đồng/m3”, ông Nguyễn Hồng Biên, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, thông tin. Vợ chồng ông Trần Phương, Ấp 4, xã Nguyễn Phích là hộ đồng bào dân tộc Khmer, lại thuộc diện nghèo. Ông Phương đi ghe mướn ngoài biển, mỗi chuyến có thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng, còn vợ ông ở nhà mở tiệm buôn bán nhỏ. Không có đất sản xuất, nên gia đình được nhà hảo tâm cho một cây nước bơm tay đã gần 15 năm. Năm hạn gay gắt, bơm không lên nước, phải xách can nhựa đi mua nước để giặt giũ, tắm, rửa, ăn uống.

Từ khi có nước sạch về đến tận vùng quê này, gia đình ông Phương cũng như những hộ dân khác rất phấn khởi khi có được nguồn nước sạch sử dụng.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết (vợ ông Phương) bộc bạch: “Lớn tuổi rồi nên bơm tay không nổi nữa. Hơn 1 năm nay, có đường ống nước về đến tận nhà, chỉ cần mở vòi là có nước sạch để xài. Mỗi tháng chỉ tốn vài chục ngàn đồng, mà không còn lo lắng chuyện thiếu nước vào mùa khô và nhọc nhằn bơm nước nữa. Tôi và bà con ở đây ai cũng vui mừng. Có nước sạch rồi nhưng vẫn xài hết sức tiết kiệm nguồn nước quý”.

Khi mạch nước được nối liền, đời sống người dân vùng nông thôn có những chuyển biến tích cực. Những công trình trạm cấp, lọc nước ở vùng nông thôn không những góp phần rất lớn giải quyết vấn đề khan hiếm nước sạch cho người dân mà còn giúp giảm bớt nỗi lo, ổn định cuộc sống, mang lại niềm vui cho vùng quê khát nước trong mùa khô hạn./

 

 

message zalo