Đang tải...
Ngày đăng: 20/12/2024
Nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nên được các cấp, ngành tỉnh Bắc Giang quan tâm. Tuy vậy hiện việc đưa nước sạch đến hộ dân vẫn còn những khó khăn.
Nỗ lực cung cấp nước sạch
Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện toàn tỉnh có hơn 90% số dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh. Đạt được kết quả này là do từ nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư xây dựng các công trình nước sạch phục vụ người dân nông thôn, miền núi; từng bước thay đổi nhận thức của người dân về việc sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh, góp phần đạt tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới.
Khi chưa có công trình cấp nước sạch, các hộ dân ở thị trấn Phồn Xương (Yên Thế) phải sử dụng nước giếng khoan, giếng đào và nước mưa. Năm 2018, công trình nước sinh hoạt tập trung công suất hơn 600m3/ngày đêm thuộc Trạm xử lý nước sạch thị trấn do Công ty cổ phần Phát triển cộng đồng thế giới quản lý đưa vào sử dụng, hầu hết hộ dân đều đăng ký tham gia. Hiện công trình cung cấp nước cho toàn bộ hộ dân của thị trấn và một phần dân cư ở các xã lân cận như: Tam Hiệp, Đồng Tâm. Chị Nguyễn Thị Linh, thôn Thành Trung, thị trấn Phồn Xương nói: “Từ ngày có nước sạch, chúng tôi rất yên tâm. Các vật dụng dùng nấu ăn không bị lắng cặn, bám đá vôi như trước nữa”.
Thời gian tới, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh về việc bàn giao các công trình nước kém hiệu quả cho các DN đủ năng lực đầu tư, khai thác; đồng thời kiểm tra công trình đã bàn giao nhưng không hoạt động để thu hồi. |
Ngoài hai trạm xử lý chính ở khu vực trung tâm huyện, Yên Thế còn có 7 công trình nước sinh hoạt tập trung ở các xã: Xuân Lương, Canh Nậu, Hồng Kỳ, Đồng Kỳ. Đến nay, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh trong sinh hoạt của huyện đạt gần 90%.
Huyện Việt Yên hiện có 4 hệ thống cấp nước sạch thuộc Công ty cổ phần cấp nước và đô thị 206 và hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung xã Quang Châu (Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Cấp nước Hà Bắc) cung cấp nước sạch cho hơn 90% hộ dân. Là địa bàn khu công nghiệp, công nhân ở trọ nhiều nên nhu cầu về nước sạch tăng cao. Để cung cấp nước thường xuyên, chất lượng, hằng năm Công ty cổ phần cấp nước và đô thị 206 đã đầu tư từ 400- 500 triệu đồng cải tạo, sửa chữa nâng cấp các tuyến ống; cắt cử công nhân trực xử lý sự cố 24/24 giờ.
Bàn giao công trình cho DN đủ năng lực
Dù đã có nhiều chuyển biến song việc đưa nước sạch về nông thôn vẫn còn không ít khó khăn. Số lượng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đạt chất lượng theo quy chuẩn quốc gia còn ít, hầu hết được đầu tư từ hơn 20 năm trước bằng nguồn vốn các chương trình 134, 135, 755 của Chính phủ nên đã xuống cấp, hư hỏng...
Toàn tỉnh hiện có 127 công trình cấp nước sạch tập trung, trong đó có 38 công trình hoạt động hiệu quả bền vững, 31 công trình hoạt động trung bình, số còn lại kém hiệu quả và không hoạt động. Nguyên nhân là do trước đây công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán các công trình chưa tốt dẫn tới thiếu nguồn nước ngầm; công suất của các công trình nhỏ, máy móc ít vận hành, không được bảo dưỡng thường xuyên.
Một số địa phương người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước bảo đảm vệ sinh, không đóng tiền cho đơn vị quản lý; việc xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp (DN) đầu tư, khai thác hệ thống cấp nước sạch, sinh hoạt tập trung ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn.
Đơn cử, do thiếu nguồn nước đầu nguồn, không được bảo dưỡng thường xuyên nên trên địa bàn huyện Lục Nam có 3 công trình nước sạch được đầu tư từ nguồn vốn 135 không hoạt động gồm công trình cấp nước sạch cho thôn Nghè, Bãi Dài và Chùa, xã Huyền Sơn; cấp nước sạch thôn Khe Nghè, xã Lục Sơn và cấp nước sạch cho thôn Trại Cao, xã Lục Sơn. Hiện người dân tại các địa phương trên vẫn chủ yếu sử dụng nước giếng đào, giếng khoan.
Ông Trần Văn Quý, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: "Thực hiện Thông tư số 54 ngày 4/5/2013 của Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, UBND tỉnh có quyết định bàn giao 61 công trình nước sạch cho DN quản lý, từ đó nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư".
Dù vậy, một số công trình sau khi bàn giao cho DN đến nay vẫn chưa được đầu tư, vận hành. Ví như tháng 12/2018, công trình nước sạch tại xã Đồng Hưu (Yên Thế) được UBND tỉnh phê duyệt bàn giao cho Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Đồng Xanh quản lý nhưng đến nay vẫn không hoạt động. Thời gian tới, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh về việc bàn giao các công trình nước kém hiệu quả cho các DN đủ năng lực; đồng thời kiểm tra công trình đã bàn giao nhưng không hoạt động để thu hồi.
Việc đưa nước sạch về nông thôn có ý nghĩa xã hội rất lớn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Hiện, ngoài các công trình đang hoạt động hiệu quả, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án “Cấp nước sạch nông thôn” từ nguồn vốn WB giai đoạn 2017-2020, phấn đấu nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh năm 2020 đạt 95%.
Nguồn: Báo Bắc Giang