Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Chiêm Hoá (Tuyên Quang): Đẩy nhanh tiến độ đưa nước sạch về cho đồng bào DTTS

Ngày đăng: 12/12/2024

Đưa nước sạch về cho đồng bào DTTS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao đời sống người dân. Từ nguồn vốn của Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025, huyện Chiêm Hoá (tỉnh Tuyên Quang) đã và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án theo đúng quy định, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận nguồn nước sạch.

Niềm vui của anh Bế Văn Hứa, thôn Nà Nẻm, xã Xuân Quang khi sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt của gia đình

Với 81,4% dân số là đồng bào DTTS, thời gian qua, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc luôn được huyện Chiêm Hóa quan tâm, chú trọng. Nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội đối với miền núi, vùng đồng bào DTTS được thực hiện có hiệu quả, đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, những hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Chiêm Hoá không có điều kiện mua téc nước, phải chứa nước sinh hoạt trong bể xi măng, vại, chum, xô, chậu… Do tích trữ lâu ngày ngoài trời, dụng cụ chứa nước thường có nắp đậy không kín hoặc không có nắp, lại không được vệ sinh thường xuyên nên thường xuất hiện các loại ấu trùng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng.

Để giải quyết tình trạng này, địa phương đã triển khai dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” tập trung vào việc hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình) cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN; hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung; đầu tư xây dựng công trình nước tập trung.

Đến nay, huyện đã có 1.943 hộ nghèo là người DTTS được hỗ trợ téc đựng nước phục vụ sinh hoạt, với tổng số tiền gần 5,8 tỷ đồng. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định Nhà nước, góp phần nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của huyện lên 98,9%.

Nhiều năm qua, gia đình anh Lương Văn Mềnh, dân tộc Mông, ở thôn Khuôn Làn, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa đều nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Do không có điều kiện để mua các thiết bị chứa nước hiện đại nên phải sử dụng xô, chậu nhựa chứa nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, điều này lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh nguồn nước do các dụng cụ trữ nước đều để ngoài trời và không có nắp đậy.

Mới đây, gia đình anh Mềnh đã được hỗ trợ 1 téc nước inox thể tích 1.000 lít. Không dấu nổi niềm vui, anh Mềnh phấn khởi cho biết: "Được hỗ trợ téc nước gia đình tôi vui lắm, giờ tôi không phải dậy sớm bơm nước hằng ngày nữa, đặc biệt không còn lo chuyện đi mượn xô, chậu, can nhựa của hàng xóm về chứa nước mỗi khi gia đình có việc lớn.

Niềm vui của gia đình anh Mềnh cũng là niềm vui chung của hàng nghìn hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn huyện Chiêm Hoá được hỗ trợ mua téc nước.

Trao đổi về nội dung này, ông Hoàng Văn Đoan, Chủ tịch UBND xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa, cho biết: Thời gian qua, nước sạch luôn là vấn đề được các cấp chính quyền quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn toàn xã có 1.100 hộ dân, với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 95%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm trên 50%.

Thực hiện dự án 1 nước sinh hoạt phân tán, thuộc chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN từ năm 2022 đến 2023, xã Tri Phú có 86 hộ dân được hỗ trợ bồn đựng nước sinh hoạt; năm 2024 xã có 57 hộ trong diện được hỗ trợ, hiện các cơ quan chuyên môn đang thực hiện các bước lựa chọn nhà cung cấp bồn chứa nước.

Như vậy, dự án hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hộ dân nghèo, cận nghèo vùng đồng bào DTTS&MN đã góp phần cải thiện vệ sinh nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng gia đình, cộng đồng, phát triển kinh tế gắn liền bảo vệ môi trường và xa hơn nữa là tạo điều kiện giúp bà con thoát nghèo bền vững. 

 

Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển

message zalo