Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Đẩy mạnh xã hội hóa trong cấp nước sạch

Ngày đăng: 09/09/2020

 

Có thể nói, việc kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư nhằm xã hội hóa lĩnh vực nước sạch hiện nay đã và đang được các địa phương quan tâm. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện bằng việc chủ động ban hành các chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân với hình thức ưu đãi về sử dụng đất, thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tạo nguồn nước, hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình, ưu đãi thuế, vốn vay ưu đãi, bù giá như ở tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Ninh Bình…Hơn nữa, qua việc xã hội hóa đã hình thành được một số mô hình về tổ chức quản lý, vận hành các công trình cấp nước, như: tổ quản lý, HTX quản lý, ban quản lý, tư nhân quản lý và Trung tâm quản lý sẽ từng bước xây dựng thị trường nước sạch. Đồng thời, huy động được sự tham gia của người dân xây dựng công trình cấp nước ngay từ khâu đề xuất, lựa chọn giải pháp, hình thức cấp nước, tham gia đóng góp công sức, kinh phí xây dựng, giám sát thi công và quản lý công trình, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn sau đầu tư.

Để nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch,  những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm thu hút các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch cho vùng nông thôn thông qua việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, có chính sách hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, miễn tiền cho thuê đất để xây dựng công trình cấp nước. Chính vì vậy, nhiều công trình được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong khu vực. Nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước sạch đạt 54,7%. Hay tại tỉnh Phú Yên, để bảo đảm cấp nước sinh hoạt lâu dài cho người dân, tỉnh đã có đề án kêu gọi đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung với hình thức xã hội hóa, bước đầu đã có tín hiệu tích cực. Trên địa bàn xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân nhiều năm trước đây người dân luôn bị thiếu nước sạch sử dụng hằng ngày. Đến tháng 9-2019, nhân dân rất phấn khởi trước việc UBND tỉnh cho phép một doanh nghiệp đầu tư công trình cấp nước sạch xã Xuân Quang 2. Đây là một trong những công trình nước sạch trên địa bàn được thực hiện theo đề án xã hội hóa. Công trình cấp nước sạch xã Xuân Quang 2 có công suất 1.000m3/ngày/đêm, tổng vốn đầu tư hơn 18 tỷ đồng, đảm bảo cấp nước sạch cho khoảng 1.000 hộ dân. Theo kế hoạch, đến giữa tháng 9-2020, công trình sẽ hoàn thành.

Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã đầu tư và thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng nhiều công trình cung cấp nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 53 công trình nước sạch nông thôn tập trung đã được đầu tư, xây dựng, cung cấp nước sạch cho người dân 147/207 xã, thị trấn; số hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 76,2%. Điển hình như Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Nam Định đang quản lý 15 nhà máy nước sạch, cấp nước cho 78 xã của 8 huyện với trên 136.000 khách hàng, chiếm gần 40% dân số trên địa bàn tỉnh. Để nâng cao chất lượng nước, ngay từ khâu quy hoạch, Công ty đã chủ động được nơi cấp nước nguồn từ các con sông lớn; đầu tư các công nghệ xử lý nước hiện đại; xây dựng phòng thí nghiệm, thường xuyên kiểm tra thường kỳ, test nhanh về độ đục, độ màu, độ dư clo... để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo nước đầu ra cung cấp tới các hộ dân.

Đến nay, tỉnh Hải Dương có hơn 95% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn của Bộ Y tế. Một trong những đơn vị thực hiện việc xã hội hóa cấp nước thành công trên địa bàn tỉnh Hải Dương là Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương. Mặc dù với mục tiêu ban đầu là cấp nước cho TP Hải Dương và các đô thị trong tỉnh nhưng hưởng ứng chủ trương của tỉnh, doanh nghiệp đã triển khai mở rộng mạng đường ống cấp nước từ các công trình hiện có tới nhiều xã khu vực nông thôn với cơ chế nhà nước và doanh nghiệp cùng làm, người dân đóng góp một phần kinh phí. Với cơ chế này, Công ty đã đầu tư xây dựng mạng đường ống cấp nước trực tiếp cho nhiều xã vùng nông thôn. Các công trình cấp nước được đầu tư đồng bộ, mở rộng cấp nước theo hướng liên xã. Hiện tất cả các công trình đang hoạt động có nguồn cấp nước sạch đạt quy chuẩn, bảo đảm công suất, áp lực và lưu lượng nước, bảo đảm cho nhiều hộ dân vùng nông thôn được tiếp cận nước sạch.

Nhằm thực hiện tốt vấn đề này, thiết nghĩ thời gian tới các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa với ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp cấp nước có đủ nguồn lực, ứng dụng công nghệ hiện đại hiện. Đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần kinh tế - xã hội đầu tư phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; huy động sự tham gia của cộng đồng, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án. Với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, gánh nặng ngân sách đâu tư vào lĩnh vực này sẽ được giảm bớt, người dân có cơ hội tiếp cận nguồn nước sạch với chi phí hợp lý.

 

message zalo