Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

ĐBSCL: 350 tỷ đồng cứu gần 100 nghìn hộ dân trong hạn mặn

Ngày đăng: 11/03/2020

 

Chi tiền triệu mua nước cứu cây

Hiện đã có 5 tỉnh, gồm Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn. So với đợt hạn mặn lịch sử năm 2015 - 2016, thì mùa hạn mặn năm nay đã vượt xa. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12/2019 và liên tục tăng cao cho đến nay.

Hạn, mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL (trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ). Hiện có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt. Theo dự báo từ cơ quan khí tượng thủy văn, sắp tới tình hình hạn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường.

Đây chỉ mới là tác động ở giai đoạn đầu của hạn mặn. Dự báo trong những ngày tới, đặc biệt từ giữa tháng 3 sẽ bắt đầu một đợt xâm nhập mặn mới, với ranh mặn xâm nhập sâu vào các con sông lớn từ 60 - 110km.

Thậm chí, hạn hán có thể kéo dài khoảng 2 tháng nữa… Hay tin này, bà con bán cây giống và nhà vườn trồng cây ăn trái ở tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh “đứng ngồi không yên”. Nhất là những vườn sầu riêng, chôm chôm, măng cụt ở Cái Mơn, Chợ Lách (Bến Tre), Cai Lậy (Tiền Giang) đang héo úa vì nhiễm mặn, thiếu nước tưới.

Để có vườn cây ăn trái đặc sản này, bà con phải bỏ ra hàng chục năm vun trồng. Đây cũng là “gà đẻ trứng vàng” - nguồn thu nhập chính của nhiều nông hộ khi sầu riêng, măng cụt luôn bán được giá cao.

“Nông dân trồng sầu riêng chúng tôi giờ quý nước như quý vàng, mấy hôm nay không có nước tưới khiến gia đình tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Lúc trước phụ thuộc vào thuyền chở nước, giờ khan hiếm quá cả tháng nay họ không đủ nước để giao.

Mấy hôm nay đành phải mua nước giá cao từ xe bồn để cứu vườn sầu riêng mà gia đình hàng chục năm vun trồng”, anh Nguyễn Văn Mười, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết. Không riêng gì anh Mười, để cứu vườn cây ăn trái, nhiều nhà vườn ở Tiền Giang, Bến Tre bỏ ra từ 5 - 8 triệu đồng mua 1 sà lan chứa 100m3 nước ngọt để tưới cây ăn trái.

Còn bà con chuyên trồng và cung cấp cây giống ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) cũng quý từng giọt nước khi tình trạng hạn, mặn ngày càng khốc liệt. Các loại cây sầu riêng, chôm chôm, măng cụt vốn nhạy cảm với nước mặn nên rất dễ héo lá, rụng trái và chết khô. Rơi vào tình cảnh này, nhiều chủ vườn phải mua nước ngọt với giá khoảng 130.000 - 150.000 đồng/m3.

Để có đủ nước tưới, người dân phải chầu chực đăng ký mua nước từ xe bồn hoặc phải tự chạy thuyền sang tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp chở nước. Theo người dân, sở dĩ mua nước ngọt giá cao như vậy là do phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là lấy nước ngọt từ sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp đưa về đến sông Hàm Luông thuộc địa phận huyện Chợ Lách với giá khoảng 45.000 đồng/m3.

Từ sà lan, nước được bơm qua những thuyền nhỏ hơn để vận chuyển vào kênh, rạch. Sau đó, nước được bơm lên những xe bồn bán lại cho các chủ vườn ươm cây giống… Theo ông Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, hiện nay địa phương khuyến cáo người dân đắp đập tạm trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Còn không thì phải chở nước ngọt, không còn cách nào khác!

Tiền nước nhiều hơn tiền ăn!

Hạn, mặn còn ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân sống trong vùng nội đồng, vùng bãi ngang, ven biển. Nhiều nơi nguồn nước tự nhiên cạn kiệt, không có nước máy nên người dân mua nước ngọt với giá 200.000 đồng/m3.

Tại Bến Tre, người dân vùng sâu, vùng xa các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách hằng tháng phải bỏ ra hơn 500.000 đồng mua nước phục vụ nhu cầu ăn uống. “Biết giá nước cao nhưng vẫn phải mua vì nhu cầu ăn uống, vệ sinh hằng ngày.

Vì phải qua nhiều khâu trung gian nước mới tới đây nên giá cả lúc nào cũng cao. Gia đình tôi mỗi tháng chi tiền mua nước ngọt hơn 500.000 đồng. Số tiền này nhiều hơn tiền mua gạo gấp nhiều lần…”, anh Huỳnh Văn Diệp, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri (Bến Tre) cho biết.

Tại huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), nhiều hộ dân phải mua nước từ xe bồn từ nơi khác chở đến với giá 150 - 200 nghìn đồng/m3. Tại TP Bến Tre, hằng ngày sà lan chở nước ngọt từ các tỉnh lân cận về cập bến bán lại cho xe bồn với giá 100 nghìn đồng/m3.

Theo một người cung cấp nước ngọt cho biết, nước này được chở đi giao cho người dân trên địa bàn. Nếu giao gần thì giá khoảng 70 nghìn đồng/m3, xa thì từ 100 - 150 nghìn đồng/m3. Theo bà Nguyễn Ngọc Nga, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri (Bến Tre), để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình và tưới cây ăn trái, bà phải mua nước ngọt.

Mỗi ngày, bà phải mua 2m3 nước với giá 70.000 đồng/m3. Theo bà Nga, giá nước cao cũng phải mua để phục vụ nhu cầu thiết yếu, nhất là tưới vườn cây ăn trái. Tính ra tiền mua nước mỗi ngày cao hơn nhiều so với số tiền mua gạo và thức ăn cho cả gia đình.

Trong chuyến làm việc với 5 tỉnh ĐBSCL về hạn mặn ngày 8/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chi cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau mỗi tỉnh 70 tỷ đồng để ứng phó với tình trạng hạn, mặn.

Đây là nguồn kinh phí giúp các địa phương khẩn trương khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt. Kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng. Lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sử dụng.

Đồng thời hỗ trợ thiết bị trữ nước, lọc nước, chi phí chở nước sinh hoạt cho người dân… Cùng với nhiều nguồn khác, số tiền này sẽ giúp cho người dân vùng hạn, mặn vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 

message zalo