Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Đến năm 2030, phấn đấu cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt

Ngày đăng: 16/07/2023

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 847/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi quy hoạch bao gồm trên toàn bộ phần diện tích đất liền và một số đảo đông dân cư, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh (Vân Đồn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo), theo các vùng phát triển kinh tế-xã hội, theo các lưu vực sông.

Đến năm 2050 cấp đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt với mức đảm bảo 100%

Mục tiêu của Quy hoạch cụ thể đến năm 2030, về cấp nước, phấn đấu cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt; cấp và tạo nguồn cấp nước cho nông thôn, đô thị, công nghiệp, khu kinh tế...; đáp ứng nhu cầu nước cho hoạt động kinh tế ven biển, các đảo có đông dân cư. Chủ động nguồn nước tại chỗ cho sinh hoạt ở các khu vực bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chú trọng một số vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng. Chủ động kiểm soát mặn, ngọt tại các vùng cửa sông, vùng ven biển.

Tầm nhìn đến năm 2050 cấp đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt với mức đảm bảo 100%; cấp và tạo nguồn cấp nước cho khu vực nông thôn, đô thị, công nghiệp, khu kinh tế...; đáp ứng nhu cầu nước cho hoạt động kinh tế ven biển, các đảo có đông dân cư. Cùng với đó là, khắc phục hoàn toàn tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các sông, kênh, hệ thống thủy lợi…

Cũng đến năm 2030, Quy hoạch đặt mục tiêu cấp nước tưới chủ động cho diện tích lúa 2 vụ với tần suất đảm bảo 85%, riêng vùng đồng bằng sông Hồng đảm bảo 85-90%, đối với các vùng khó khăn về nguồn nước và giải pháp thủy lợi (miền núi, biên giới, ven biển, hải đảo) bảo đảm 75-85%; kết hợp các giải pháp tưới tiết kiệm nước.

Cấp nước tưới đảm bảo cho 70% diện tích cây trồng cạn, nâng dần tần suất đảm bảo tưới cho rau màu lên 90%, cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm 90-95%. Đảm bảo cấp đủ nước cho gia súc, gia cầm với khoảng 10,5 triệu con. Cấp nước và thoát nước chủ động cho 1,35 triệu ha nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung.

Khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước

Để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai và thủy lợi, Quy hoạch đã đưa ra phương án chung và phương án phát triển cho từng vùng. Theo đó, phương án chung gồm: Tạo nguồn, tích trữ, điều hòa nguồn nước; nâng cấp, cải tạo các hệ thống thủy lợi; khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước; cấp nước sinh hoạt; tiêu, thoát nước và chống ngập úng; phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phòng, chống lũ, ngập lụt và các loại hình thiên tai khác.

Cụ thể, nâng cấp, cải tạo các hệ thống thủy lợi: Nâng cao hiệu quả, năng lực của các công trình hiện có, trong đó tập trung nâng cấp công trình đầu mối, hệ thống kênh chính, bổ sung đầu tư mới các công trình thuộc hệ thống, tăng khả năng tự làm sạch, cải thiện chất lượng nước, phòng, chống ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi, bảo đảm khôi phục, duy trì và nâng cao năng lực phục vụ của các hệ thống thủy lợi, góp phần đồng bộ với kết cấu hạ tầng các ngành.

Khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước: Xây dựng đập dâng, công trình dâng nước trên dòng chính đối với các sông có biến động lớn về lòng dẫn, diễn biến hạ thấp đáy sông, suy giảm mực nước và nguy cơ xâm nhập mặn cao…

Cấp nước sinh hoạt: Đầu tư xây dựng hệ thống các công trình cấp nước, tạo nguồn, dẫn nguồn cấp nước ổn định cho sinh hoạt, hoàn thiện các công trình cấp nước tập trung nông thôn, ưu tiên cho khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và các đảo. Nâng cấp, sửa chữa, kết hợp với quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng nhằm phát huy hiệu quả, hoạt động bền vững của công trình; ưu tiên lấy nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng để bảo đảm nguồn nước ổn định cho công trình cấp nước sinh hoạt.

Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn: Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình tạo nguồn nước, tích trữ nước, điều tiết, cân đối nước, cấp nước tại chỗ; sử dụng nước từ hệ thống thủy lợi, hồ thủy điện... phục vụ cấp nước sinh hoạt trong trường hợp xảy ra thiên tai, hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn; nghiên cứu, đầu tư xây dựng công trình trữ, hồ chứa nước phân tán phù hợp với đặc điểm từng vùng, triển khai đầu tư hồ trữ nước ngọt, công trình để trữ nước trên hệ thống sông, kênh rạch…

 

message zalo