Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Doanh nghiệp nội với sân chơi "thực phẩm an toàn": Tạo chuỗi cung ứng - phân phối

Ngày đăng: 17/03/2017

(Mard-17/03/2017) - Thị trường ngày càng dày đặc các nhà bán lẻ ngoại, hệ thống phân phối ngoại, hàng hóa Việt có nguy cơ bị đánh bật khỏi kênh phân phối hiện đại vì nhiều loại phí, mức chiết khấu cao và tiêu chuẩn chất lượng yếu kém không cạnh tranh lại hàng ngoại nhập. Do đó, yêu cầu thực tế đòi hỏi nhiều hơn các cơ chế chính sách, chiến lược phát triển để tạo điều kiện cho hàng Việt được chuẩn hóa chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Kết nối cung - cầu với địa phương 

Ngay từ đầu năm 2017 đến nay, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã tổ chức hội thảo "Kết nối cung - cầu phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn với các tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Long An và một số tỉnh, thành phố khác. Satra cũng đang là một trong những nhà bán lẻ nội tích cực nỗ lực hỗ trợ nông dân phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. 
Qua các hội thảo này cho thấy, tình hình kết nối cung - cầu giữa nhiều địa phương với Satra vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của hai bên. Trong đó có nhiều hợp đồng hợp tác vẫn chưa được hiện thực hóa, dẫn đến sản phẩm của các địa phương rất đa dạng, nhưng chưa thâm nhập thành công vào mạng lưới phân phối của Satra nói riêng, Tp. Hồ Chí Minh nói chung. 

Điển hình, là một trong những địa phương chiếm tỷ trọng về sản lượng và doanh thu tương đối lớn tại chợ Bình Điền (trực thuộc Satra), nhưng hiện nay mỗi đêm hàng hóa từ Thành phố Cần Thơ về chợ gồm 100 tấn thủy hải sản tươi các loại, chiếm khoảng 8% toàn bộ thủy hải sản tươi nhập chợ. Bên cạnh đó, sản lượng rau củ, quả, trái cây các loại từ Thành phố Cần Thơ nhập chợ Bình Điền đạt 30 tấn mỗi ngày, chiếm khoảng 4% rau củ, quả, trái cây các loại nhập chợ. Tổng hàng hóa từ Thành phố Cần Thơ về chợ Bình Điền đạt khoảng 5 tỷ đồng mỗi ngày. 

Còn các mặt hàng nông thủy hải sản của tỉnh Long An vào chợ Bình Điền (Satra), thuộc nhóm địa phương dẫn đầu. Nhiều nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn như lợn là 200 tấn/ngày; vịt nguyên con 1,2 tấn/ngày; riêng rau củ, quả thì có mặt hàng khổ qua, dưa leo, cải ngọt, chanh... đạt 120 tấn/ngày - đêm. Tính riêng trong hai tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng các mặt hàng rau củ, quả, thịt nhập về chợ Bình Điền đạt trung bình là 341 tấn/ngày, trị giá trên 10 tỷ đồng, chiếm 10% tổng sản lượng hàng hoá nhập chợ. Tuy nhiên, Satra với hệ thống nhiều nhà máy sản xuất, chế biến của các đơn vị thành viên trực thuộc, hiện không ngừng tìm kiếm cơ hội hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển các mô hình sản xuất liên kết, hình thành chuỗi cung ứng và gia tăng giá trị cho hàng Việt... 

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Satra cho biết, quy mô sản xuất của người nông dân cần được đầu tư mở rộng nhằm đáp ứng số lượng, chủng loại sản phẩm, cũng như đảm bảo khả năng cung cấp ổn định, giá thành cạnh tranh. Bên cạnh đó, kết quả liên kết có thành công hay không phải dựa trên thần đôi bên cùng có lợi và quan hệ lâu dài thì vai trò của đơn vị sản xuất rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP. 

Hỗ trợ phân phối hàng Việt 

Tuy rất nỗ lực vươn lên giữ vững thị trường nội địa cũng như đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt, nhưng trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ với sự xâm lấn của các nhà bán lẻ ngoại, cả nhà bán lẻ nội và doanh nghiệp, nông dân sản xuất đều gặp phải không ít khó khăn. 

Đại diện Công ty CholimexFood, cho biết, nhà phân phối có toàn quyền lựa chọn sản phẩm và chi phối khu vực trưng bày trong không gian của mình, nên tình hình chung là nhiều nhà cung cấp, nhà sản xuất Việt Nam phải vượt qua nhiều thách thức để đưa hàng lên kệ kênh bán lẻ hiện đại. Vì thế hàng Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh trong việc trưng bày thu hút chú ý của người tiêu dùng cũng như tăng doanh số bán. 

Mặc dù luôn ưu tiên cho các sản phẩm hàng Việt, nhưng các nhà bán lẻ nội thừa nhận rằng, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập. Điển hình, ở ngành hàng nông sản, doanh số bán hàng ngoại nhập tại các kênh bán hàng hiện đại luôn tăng cao. Đây là thách thức lớn cho hàng Việt, nếu không có sự đa dạng, cải tiến mẫu mã, chất lượng, thông qua việc nắm bắt nhu cầu thị trường, cải tiến công nghệ và giá thành cạnh tranh. 

Còn theo phân tích của các chuyên gia, chiến lược của các tập đoàn sản xuất, bán lẻ lớn của nước ngoài đầu tư vào các quốc gia khác, bao giờ cũng có cả binh đoàn nhà cung cấp đi kèm, nên các nhà sản xuất nội địa khó chen chân vào chuỗi cung ứng của họ. Sở dĩ làm được đều này, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất phải có cùng tầm nhìn dài hạn, chia sẻ về trách nhiệm, chi phí lẫn nhau, trong khi đây là một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, chưa có tinh thần liên kết và hỗ trợ cùng phát triển. 

Vì vậy, cùng với nỗ lực hỗ trợ của các nhà bán lẻ nội địa, doanh nghiệp sản xuất và người nông dân cần có giải pháp thâm nhập thị trường hiệu quả hơn. Trong đó, đơn vị sản xuất cần lựa chọn sản phẩm phù hợp với thị trường trọng điểm, chứ hàng hóa sản xuất và phân phối khắp nơi sẽ bị phân tán nguồn lực, lãng phí tài chính mà không bám rễ sâu vào thị trường. 

Để hỗ trợ nền sản xuất trong nước, tạo đầu ra cho sản phẩm của người nông dân, doanh nghiệp Việt phát triển được, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Saigon Food cho rằng cần có những cơ chế chính sách thiết thực hơn để hỗ trợ nhà bán lẻ nội địa phát triển và giữ vững thị phần trong nước. Tại Việt Nam, mức chiết khấu đưa hàng hóa vào các hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp ngoại rất cao, thậm chí gấp đôi các hệ thống bán lẻ nội địa, do đó không tạo điều kiện cho nhà bán lẻ nội phát triển thì các hệ thống bán lẻ này khó hỗ trợ hàng Việt ra thị trường. 

Song song đó, các chuyên gia đề xuất Nhà nước cần quy hoạch lại việc phát triển thị trường bán lẻ; có chính sách, quy định chung về việc tăng mức chiết khấu hàng năm của các nhà các nhà phân phối. Về phía hiệp hội, hội ngành nghề phải tích cực cầu nối cho những doanh nghiệp không cùng ngành hàng vẫn có thể liên kết để cùng thực hiện các chương trình đưa hàng Việt đến tay người Việt, nhằm giảm sự phụ thuộc hệ thống phân phối hiện đại và giảm chi phí triển khai./. 
message zalo