Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ thực hiện tốt tiêu chí môi trường

Ngày đăng: 27/08/2019

Đến nay, hai khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có 2.744/3.474 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, đạt 79,0%. Điều đáng nói là hầu hết các tỉnh, thành phố đã xây dựng và đang triển khai quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó xác định những điểm xử lý chất thải tập trung phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Từ giai đoạn 2011-2015, Nam Định đi đầu cả nước trong việc xây dựng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã gắn với mô hình thu gom, vận chuyển, làm giảm đáng kể lượng rác chôn lấp (hiện nay, hệ thống lò đốt rác cấp xã hầu hết đã và đang được cải tạo, nâng cấp để đảm bảo tiêu chuẩn). Từ năm 2016 đến nay, với định hướng xử lý chất thải rắn tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý bài bản, hiệu quả, quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Xuyên, Can Lộc (Hà Tĩnh), Hưng Yên, Uông Bí (Quảng Ninh), Tam Điệp (Ninh Bình), Thanh Liêm (Hà Nam), Quảng Bình,... Hoạt động phân loại rác tại nguồn đã được nhiều địa phương (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh…) tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện. Nhiều địa phương trong khu vực đã tổ chức và thực hiện tốt khâu thu gom, vận chuyển chất thải rắn, nâng tỷ lệ chất thải được thu gom lên hơn 90% lượng chất thải phát sinh (Nam Định đã nhiều mô hình thu phí vệ sinh môi trường đủ bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, không cần hỗ trợ của ngân sách nhà nước).

Ngoài ra, chất thải nông nghiệp được các địa phương quan tâm và có hình thức tái sử dụng hoặc xử lý phù hợp. Một số nơi xây dựng được các mô hình hiệu quả, như: mô hình ép phân ở Thái Bình, Hưng Yên; mô hình nuôi lợn tiết kiệm nước và tái sử dụng chất thải sau chăn nuôi ở Nam Định; mô hình tận dụng phân gia súc sản xuất giun trùn quế (Hà Nội); mô hình tận dụng rơm rạ để trồng nấm ở nhiều địa phương (Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nam); mô hình cánh đồng không vỏ bao gói thuốc BVTV tại Yên Khánh (Ninh Bình); mô hình kết hợp xử lý bao gói thuốc BVTV tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại ETC tại Nam Định vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa giảm tác động đến môi trường,…

Bên cạnh đó, một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Ninh… đã bước đầu quan tâm đến việc thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn, tìm giải pháp phù hợp với đặc thù phân bố dân cư và điều kiện thực tế từng địa phương. Trong đó đã có những mô hình xử lý nước thải tập trung quy mô lớn huyện Hoài Đức (Hà Nội); Từ Sơn (Bắc Ninh) và mô hình xử lý nước thải phân tán quy mô hộ, nhóm hộ tại một số huyện của Hà Tĩnh. Đây chính là cơ sở quan trọng để nghiên cứu, đánh giá, nhân rộng trong xây dựng nông thôn mới sau năm 2020.

Cùng với đó, nhiều nơi đã có định hướng xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan đa năng, đa mục tiêu; các tuyến đường trồng cây, hoa có giá trị kinh tế, vừa tạo cảnh quan môi trường xuất hiện ngày càng phổ biến.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua công tác vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực, dần hình thành ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Nhiều huyện đã phân loại được 30-40% lượng rác thải phát sinh, giảm đáng kể lượng rác phải xử lý và nâng cao rõ rệt ý thức của người dân trong thu gom, xử lý chất thải. Đa số hộ dân đã có thu gom, phân loại rác tại hộ, có thùng đựng rác công cộng, có tổ thu gom rác thải hoạt động có hiệu quả và hiện nay đã có các mô hình điểm về thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn có tính khả thi; môi trường sống trong mỗi gia đình, vườn hộ, cộng đồng được cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng tạo nên những vùng quê là "nơi đáng sống hơn".

Tuy nhiên, môi trường khu vực nông thôn hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm do chất thải chăn nuôi, do chế biến nông lâm thuỷ sản... Chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các khu, cụm công nghiệp - làng nghề chưa xử lý được. Các mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Theo Văn phòng Nông thôn mới Trung ương, để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường nông thôn thời gian tới các địa phương cần có những giải pháp nhằm tăng tỷ lệ xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt; bao gói thuốc BVTV cần được phân loại, thu gom và xử lý; tái sử dụng chất thải nông nghiệp đảm bảo đúng quy định về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; cải tạo cảnh quan môi trường; tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn.

 

message zalo