Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Đồng Tháp: Thực hiện hiệu quả 8 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản

Ngày đăng: 29/03/2017

(Mard-29/03/2017) - Tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện hiệu quả 8 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản cho nông dân với các mặt hàng như: lúa gạo, xoài, cá tra, vịt, dưa lê, nhãn ở Châu Thành, quýt đường ở huyện Lai Vung, thanh long ruột đỏ ở huyện Lai Vung và Châu Thành. 
Trong liên kết tiêu thụ lúa gạo trong năm qua có 35 công ty, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ được hơn 146.000 tấn lúa. Việc liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo góp phần giúp nông dân áp dụng quy trình sản xuất đồng bộ, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với giá tăng từ 150-200 đồng/kg lúa so với bên ngoài, do đó lợi nhuận cao hơn không thực hiện liên kết là 1,7 triệu đồng/ha. 
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp đang có những mũi đột phá mạnh mẽ. Một trong số đó là ý tưởng xây dựng những cánh đồng liên kết sản xuất lúa tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, đủ sức đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường thế giới. Đồng thời tăng cường thực hiện việc dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu, tiếp tục đa dạng hoá các hình thức liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. 
Trong liên kết tiêu thụ xoài, thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh đã liên kết với Công ty Long Uyên, Công ty TNHH một thành viên Anh Nhân, Công ty VinEco, Công ty Agricare Việt Nam tiêu thụ hơn 13.000 tấn xoài cát Hòa Lộc, cát Chu..., đa số các loại xoài liên kết được bao trái, trồng theo VietGap giá cao hơn xoài thường từ 5-10 ngàn đồng/kg , đồng thời tiết kiệm được 5-7 lần phun xịt thuốc, lãi từ 200-220 triệu đồng/ha, trong khi đó xoài không bao trái, không trồng theo VietGap, không liên kết tiêu thụ chỉ lãi từ 150-160 triệu đồng/ha. 
Đặc biệt, liên kết tiêu thụ cá tra xuất khẩu được Công ty Hùng Cá liên kết với 326 hộ, nuôi 416 ha, mỗi năm công ty mua trên 150.000 tấn cá tra nguyên liệu , giá cao hơn với bên ngoài từ 100-600 đồng/kg, mô hình liên kết nuôi cá tra giúp cho hộ nuôi thu nhập tăng thêm 60 triệu đồng/ha. Đối với liên kết tiêu thụ trứng vịt ở huyện Tháp Mười liên kết với Công ty Vĩnh Thành Đạt trong năm tiêu thụ gần 1 triệu trứng vịt, và giá mua cao hơn từ 100-500 đồng/trứng. Tập đoàn VinGroup ký hợp đồng với tổ GlobalGAP quýt đường xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung tiêu thụ 1 tấn/tháng với giá từ 34.000-37.000 đồng/kg, giá cao hơn ngày tết từ 5.000-10.000 đồng/kg…. 
Ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, mục tiêu trong năm 2017 tỉnh sẽ tập trung liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cũng như nhân rộng mô hình nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, có chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Thông qua chương trình này hy vọng sẽ tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các nông sản chủ lực địa phương. 
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nộng nghiệp của tỉnh. Năm 2017 tỉnh đưa ra mục tiêu nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao trong toàn tỉnh, trong đó nâng sản xuất lúa giảm giá thành lên 1.500ha; diện tích sản xuất lúa hữu cơ từ 40-50 ha, có nhãn hiệu và tổ chức tiêu thụ; diện tích rãi vụ và thu hoạch xoài 3.000 ha ./. 
message zalo