Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Gắn chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn với xây dựng nông thôn mới

Ngày đăng: 14/11/2019

 

Theo báo cáo kết quả thực hiện Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, năm 2018, tỷ lệ người dân nông thôn toàn tỉnh Cao Bằng được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88%, tỷ lệ người nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83%; tỷ lệ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 37,65%, tỷ lệ hộ nghèo có nhà tiêu vệ sinh đạt 20,80%, tỷ lệ hộ chăn nuôi gia súc có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 56,66%; tỷ lệ trường học được cấp nước và có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 66,50%, tỷ lệ trạm y tế được cấp nước và có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 93,47%.

Năm 2018, chương trình đã được triển khai tại 9 xã thuộc 5 huyện: Thạch An, Hòa An, Trùng Khánh, Nguyên Bình, Phục Hòa. Các địa phương đã tổ chức 27 hội nghị, sự kiện truyền thông, lớp tập huấn; vẽ 109 bản đồ vệ sinh thôn; họp thôn 218 lần tuyên truyền chuyên đề về vệ sinh và rửa tay xà phòng; thăm hộ gia đình 820 lần để tuyên truyền, vận động người dân xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và rửa tay với xà phòng...

Tuy nhiên, tại một số xã vùng cao của tỉnh Cao Bằng, số lượng người sử dụng nước sạch hợp vệ sinh vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Ông Hà Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm cho biết, hiện nay xã Yên Thổ mới có 381/1.010 hộ có bể chứa nước sinh hoạt (đạt tỷ lệ 38% so với 70% yêu cầu); tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch mới đạt 46% (yêu cầu là 50%); có 570/1.011 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh (đạt 57% so với 70% yêu cầu)... Những chỉ tiêu chưa đạt đã ảnh hưởng đến tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới của xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm.

Nguyên nhân dẫn đến một số xã vùng cao có tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, xây dựng công trình nhà tiêu hợp vệ sinh còn hạn chế là do nhận thức về chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn còn hạn chế; đây là chương trình mới trong cách thức triển khai, kiểm điểm nên các đơn vị còn lúng túng trong việc chuẩn bị, thu thập tài liệu, hồ sơ chứng minh...

Theo ông Bế Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cao Bằng, thực hiện chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới, giai đoạn 2016 – 2020, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cao Bằng đã đầu tư thực hiện 19 gói thầu xây lắp các công trình cấp nước tập trung; 3 gói thầu lắp thiết bị. Năm 2019, xây mới 3 công trình, cải tạo 17 công trình cấp nước sinh hoạt đã xuống cấp nhằm đạt mức đầu nối mới trong năm là 5.880 đầu nối tại 26 xã thuộc 8 huyện trong tỉnh. Cũng trong năm 2019, chương trình sẽ triển khai tại 6 xã: Phù Ngọc, Đào Ngạn (Hà Quảng), Chí Thảo, Phi Hải (Quảng Uyên), Đức Long, Đức Xuân (Hòa An); tiếp tục triển khai tại 16 xã...

Đến năm 2020, phấn đấu toàn tỉnh 90% số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 35 xã được công nhận “Vệ sinh toàn xã” với các tiêu chí: 70% số hộ gia đình có nhà tiêu cải thiện; 80% số hộ gia đình có điểm rửa tay, có xà phòng hoặc sản phẩm thay thế xà phòng; tất cả các trường học, trạm y tế có công trình cấp nước và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn và có điểm rửa tay hoạt động...

Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB), có tổng kinh phí 225,5 triệu USD, được thực hiện từ năm 2016 - 2020 ở 21 tỉnh còn nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt cũng như nề nếp vệ sinh môi trường, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

 

message zalo