Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản

Ngày đăng: 20/09/2017

Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, Bến Tre tập trung củng cố, phát triển hoặc thành lập mới 16 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả. Các hợp tác xã này mở rộng phạm vi liên kết theo chuỗi giá trị bền vững, đồng thời, gắn kết với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra có thế mạnh về tiêu thụ nông sản. 

Điểm nhấn của hợp tác xã nông nghiệp thí điểm ở Bến Tre là các cán bộ quản lý, điều hành được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, kỹ năng xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kỹ năng tổ chức sản xuất và tham gia chuỗi giá trị nông sản. 
Tỉnh cũng có cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút nguồn nhân lực trình độ đại học chuyên ngành kỹ thuật về làm việc lâu dài ở hợp tác xã. Cán bộ nông nghiệp ở cơ sở có trình độ chuyên môn phù hợp kiêm phụ trách kỹ thuật tại các hợp tác xã thí điểm. 
Cùng với đó, các sở, ngành liên quan tập trung vào việc hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý điều hành hợp tác xã nông nghiệp, cán bộ tư vấn, cán bộ các ban, ngành chủ chốt cấp tỉnh, huyện, nhất là cấp xã. Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp... 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, trước mắt, giai đoạn 2017-2018, tỉnh tổ chức hướng dẫn các hợp tác xã được chọn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp gắn kết với các hợp tác xã để xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Giai đoạn 2019-2020, tỉnh sẽ hoàn thiện mô hình thí điểm đối với các hợp tác xã nông nghiệp được chọn và triển khai nhận rộng các mô hình ở các địa phương. 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, bà Phan Thị Thu Sương cho biết, hiện Bến Tre đang xây dựng chuỗi giá trị trên 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, con bò, con lợn và con tôm biển. Bước đầu, tỉnh đã hình thành những vùng nguyên liệu đáp ứng được các tiêu chuẩn của doanh nghiệp. 
Đến nay, có 3 chuỗi sản phẩm bước đầu được hình thành và có chiều hướng phát triển tốt là cây dừa, cây bưởi da xanh và cây chôm chôm; trong đó, chuỗi dừa có nhiều doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân gắn kết chặt chẽ với các tổ hợp tác, hợp tác xã. 
Chẳng hạn như Công ty TNHH chế biến Dừa Lương Quới, Công ty Mekong Food, Công ty Betrimex…khảo sát chọn vùng dừa nguyên liệu. Các cơ sở thu mua Hương Miền Tây, Hoàng Quí và Công ty VinEco hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Nhiệt đới, cơ sở thu mua trái cây Huỳnh Mai và doanh nghiệp Thanh Việt tham gia tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình tổ hợp tác sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. 
Tỉnh Bến Tre đã thành lập và củng cố 17 hợp tác xã nông nghiệp với 16.400 xã viên. Việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất mang nhiều lợi ích thiết thực như giúp người dân giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Qua đó, gia tăng lợi nhuận cho từng thành viên, đảm bảo được chất lượng và số lượng hàng hóa cung ứng cho khách hàng. Đặc biệt có thể ký hợp đồng đầu ra, sản xuất quy mô lớn từ đó tạo tiền đề phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững./. 

message zalo