Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Hậu Giang chủ động phòng chống hạn, mặn và thiếu nước sinh hoạt

Ngày đăng: 03/05/2019

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ thì có nhiều khả năng nước mặn sẽ xâm nhập vào địa bàn tỉnh theo các hướng như: Từ Biển Đông theo sông Hậu, mặn có thể vượt qua kênh Cái Côn, Mái Dầm và từ Đại Hải, tỉnh Sóc Trăng qua các trục kênh cấp 2 uy hiếp huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy, một phần huyện Phụng Hiệp; Bên cạnh đó, từ các trục kênh chính qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu ảnh hưởng đến huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và một phần huyện Phụng Hiệp; Còn từ Biển Tây theo sông Cái Lớn và sông Nước Trong, nước mặn sẽ ảnh hưởng đến huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh nồng độ cao nhất tại một số địa phương, được ghi nhận từ ngày 19-25/4/2019, đạt mức 9,4 ‰. Cụ thể, trên địa bàn huyện Long Mỹ, độ mặn đo tại tại cống đầu kênh 10 Thước, xã Vĩnh Viễn A là 6,9 ‰ (năm 2018 là 4,5‰ tăng 2,4 ‰); tại cống Ba Cô, xã Lương Nghĩa là 9,4 ‰ (năm 2018 là 5,4 ‰ tăng 4,0 ‰). Còn trên địa bàn Thành phố Vị Thanh, độ mặn đo tại tại Ngã Ba Nước Trong, xã Hỏa Tiến là 6.9 ‰ (năm 2018 là 6,1 ‰ tăng 0,8 %), tại cống Kênh Lầu, xã Hỏa Tiến là 6,6 ‰ (năm 2018 là 5,3 ‰ tăng 1,3 ‰).

Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn Hậu Giang, hiện Trung tâm đang quản lý 68 trạm cấp nước (trong đó có 34 trạm cấp nước tập trung có công suất thiết kế là Q =10-180m3/h, 34 trạm cấp nước mini có công suất thiết kế là Q =4-6m3/h), cung cấp nước cho 42.196 hộ dân, chiếm 29,22% tổng số hộ dân nông thôn trong tỉnh. Theo tình hình diễn biến xâm nhập mặn hiện nay thì số lượng trạm cấp nước nằm trong khu vực bị ảnh hưởng là 09 trạm, với khoảng 7.653 hộ đang sử dụng nước (tại các khu vực như: Thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành A).

Trước dự báo tình hình xâm nhập mặn năm 2019 diễn ra phước tạp và khó lường, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân. Theo đó, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước ngọt để đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn 2019. Đặc biệt, khi độ mặn ngoài sông, kênh chính đạt mức 1,5%, sẽ xây dựng các đập thời vụ cải tiến và đắp đập thời vụ để ngăn tất cả các dòng kênh chảy vào đồng tại các khu vực bị nhiễm mặn.

Để tình hình hạn, mặn không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn Hậu Giang đã và đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp, như: thông báo cho khách hàng sử dụng nước có kế hoạch chuẩn bị dụng cụ dự trữ nước trong thời gian bị mặn xâm nhập trên loa phát thanh địa phương; Tuyên truyền sâu rộng đến người dân sử dụng nước tiết kiệm, tránh sử dụng nước lãng phí, không cần thiết; Chỉ đạo nhân viên quản lý các trạm cấp nước chủ động ứng phó, thường xuyên cập nhật tình hình mặn xâm nhập để vận hành trạm lấy nước cho phù hợp; Phân công, giao nhiệm vụ cho nhân viên các trạm tại địa bàn lân cận không bị ảnh hưởng mặn xâm nhập hoặc các trạm khai thác nước ngầm có kế hoạch tích trữ nước để cung cấp, hỗ trợ cho các trạm bị ảnh hưởng trong trường hợp cần thiết; Đồng thời, xây dựng kế hoạch duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, khoan giếng dự phòng, nâng cấp các trạm trong vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, theo kế hoạch hàng năm, nhằm sẵn sàng ứng phó tình trạng xâm nhập mặn để đảm bảo phục vụ tốt việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

message zalo