Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Hòa Bình: Huy động nguồn lực nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh

Ngày đăng: 01/06/2021

 

Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ dân nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,2%, vượt 0,2% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Theo số liệu phê duyệt kết quả thực hiện Bộ chỉ số Theo dõi – đánh giá nước sạch nông thôn năm 2020 tại Quyết định số 235/QĐ-UBND, ngày 2/2/2021 của UBND tỉnh, đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam đạt 50,1%; trong đó, tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 16,1%, tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình đạt 34%.

 

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành, từ nhiều năm nay, người dân xóm Nghê, xã Nánh Nghê (Đà Bắc) được hưởng lợi qua các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn. Nhờ vậy, vùng đặc biệt khó khăn này đã có hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân. Trong đó, phải kể đến công trình cấp nước sinh hoạt. Chia sẻ của bà con cho thấy, từ khi xóm có công trình cấp nước đã giúp các gia đình thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày, bớt nỗi lo thiếu nước, cũng như việc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, từ đó góp phần tích cực bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cũng như ở Nánh Nghê, đến nay, nhiều xóm, xã trong tỉnh đã có công trình nước sạch, nước hợp vệ sinh thông qua các chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình NS&VSMTNT. Theo số liệu báo cáo hiện trạng nước sạch nông thôn năm 2021 của UBND tỉnh, hiện, tổng số người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh có xấp xỉ 755.750 người; tổng số người dân được cấp nước tăng thêm 2.860 người. Hiện có 297 công trình cấp nước tập trung; trên 145.520 công trình cấp nước hộ gia đình với  5.119 giếng khoan, 100.737 giếng đào, 39.665 cái lu, bể chứa. Qua số liệu báo cáo đánh giá Bộ chỉ số từ năm 2016 – 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt cho thấy, trung bình một năm, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch tăng 1,8% và được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 2%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mang lại, thực hiện Chương trình NS&VSMTNT còn những bất cập. Vừa qua, tại cuộc họp UBND tỉnh bàn về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin: Trong số 297 công trình cấp nước tập trung chỉ có 60 công trình hoạt động bền vững, 87 công trình tương đối bền vững, có tới 84 công trình kém bền vững và 66 công trình không hoạt động. Các công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn được đầu tư xây dựng từ lâu, do không có kinh phí duy tu sửa chữa nên đã hư hỏng, xuống cấp, làm cho hơn 8.400 người dân bị ảnh hưởng khi sử dụng các công trình cấp nước kém bền vững và hơn 79.800 người dân nông thôn không được sử dụng nước từ các công trình cấp nước không hoạt động.

Sở NN&PTNT đánh giá, công tác cấp nước sinh hoạt cho vùng nông thôn còn nhiều tồn tại, hạn chế, thể hiện ở việc giám sát, kiểm soát chất lượng nước vẫn áp dụng phương pháp tiếp cận mang tính thụ động, đối phó. Công tác giám sát chất lượng nước tại các công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình chưa được định kỳ kiểm tra, trong khi môi trường nước ngày một chịu áp lực do chất thải sinh hoạt và sản xuất. Hầu hết các công trình cấp nước tập trung nông thôn khi thi công xong được bàn giao lại cho UBND xã tự quản lý, khai thác, sử dụng, trong khi đa số địa phương chưa thành lập được Tổ quản lý vận hành, chưa xây dựng quy chế quản lý và phương án thu tiền sử dụng nước. Do vậy, các công trình không thường xuyên được bảo dưỡng định kỳ nên nhanh xuống cấp, chất lượng nước không đảm bảo, có những công trình không phát huy được hiệu quả. Trong tỉnh, số lượng công trình cấp nước tập trung chưa nhiều, thiếu đồng bộ; nhiều công trình đang áp dụng hình thức xử lý nước lạc hậu, dẫn đến kết quả nước sau xử lý không đạt được các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn của QCVN 02:2009/BYT…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển KT – XH 5 năm 2021-2025 của UBND tỉnh đề ra mục tiêu: "Đến hết năm 2025, có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó, phấn đấu 60% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch”. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, Sở NN&PTNT đang tích cực tham mưu BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Nghị quyết và Đề án về "nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đến năm 2025” nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng, góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân; khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nước…

 

message zalo