Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Hưng Yên: Bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt

Ngày đăng: 02/02/2020

 

Khi thực tế ở các hộ dân đang sử dụng nước sinh hoạt cấp từ các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh cho thấy, bên cạnh niềm vui nước sạch “về làng”, vẫn còn những phản ánh trong quá trình sử dụng nước như: Thỉnh thoảng có vẩn đục, có cặn vàng… Nhiều gia đình hiện nay vừa sử dụng nước cấp tại các trạm, vừa sử dụng thêm máy lọc nước R.O trước khi lấy nước ăn, uống.

Bà Nguyễn Thị Liên, người sử dụng nước tại xã Trung Hưng (Yên Mỹ) cho biết: “Gia đình tôi đã sử dụng 100% nước cấp tại trạm cấp nước tập trung cho sinh hoạt, ăn uống. Đánh giá cảm quan thì nước không có màu, không có mùi lạ, nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy nước có hiện tượng đục, có cặn. Mặc dù vẫn tiếp tục sử dụng nước cấp tại trạm song tôi đang sử dụng thêm máy lọc nước mini trước khi dùng nước ăn, uống”. Trong 6 tháng trở lại đây, phóng viên cũng ghi nhận phản ánh của người dân về chất lượng nước sinh hoạt cấp từ các trạm cấp nước tập trung chưa bảo đảm ở một số khu vực như: Xã Trung Hưng, xã Yên Phú (Yên Mỹ); thị trấn Trần Cao (Phù Cừ); xã Thụy Lôi (Tiên Lữ); xã Phụng Công (Văn Giang). Đây cũng là những địa bàn có mẫu nước không đạt chất lượng theo báo cáo tổng hợp kết quả ngoại kiểm chất lượng nước của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) những tháng gần đây. Đơn cử như: Hệ thống cấp nước tập trung xã Trung Hưng (Yên Mỹ) có hàm lượng Fe vượt quá giới hạn quy định; Trạm cấp nước thị trấn Trần Cao (Phù Cừ) và Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản Thịnh Phát, xã Yên Phú (Yên Mỹ) không đạt về chỉ tiêu vi sinh; hệ thống cấp nước tập trung xã Phụng Công (Văn Giang) hàm lượng Nitrit cao quá mức cho phép…

Thời gian qua, để bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt, tỉnh đã yêu cầu các đơn vị cấp nước một mặt bảo đảm chất lượng nước từ trạm của mình, hàng tháng phải thực hiện nội kiểm (tự kiểm tra chất lượng nước của đơn vị mình theo các chỉ tiêu của quy chuẩn). Mặt khác đơn vị chức năng (hiện nay đơn vị được giao nhiệm vụ là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế) tiến hành ngoại kiểm hàng tháng để đánh giá lại các chỉ tiêu, có biện pháp xử lý đối với đơn vị cấp nước không đạt tiêu chuẩn. Trung bình mỗi tháng đều có trên 40 mẫu nước được kiểm định chất lượng, phát hiện chỉ tiêu chưa đạt. Từ kết quả nội kiểm, ngoại kiểm chất lượng nước hàng tháng cho thấy, bên cạnh các trạm cấp nước có chất lượng nước bảo đảm, vẫn còn một số trạm cấp nước chưa tự giác nội kiểm, chất lượng nước không ổn định và có những chỉ tiêu không đạt, ảnh hưởng tới chất lượng nước sinh hoạt cấp tới hộ dân. 

Để nước sinh hoạt đạt quy chuẩn đến với người dùng, nguồn nước đó phải bảo đảm được các chỉ tiêu của Bộ Y tế đã quy định. Đối với các trạm có công suất dưới 1 nghìn m3 nước/ngày đêm phải bảo đảm quy chuẩn 02 (hơn 10 chỉ tiêu); với trạm có công suất trên 1 nghìn m3 nước/ngày đêm phải bảo đảm quy chuẩn 01 (hơn 100 chỉ tiêu).

Ông Nguyễn Tiến Luật, Giám đốc Công ty TNHH cấp nước Hải Hưng tại xã Hải Triều (Tiên Lữ) cho biết: “Hiện nay công ty đang cấp nước sạch chủ yếu cho địa bàn huyện Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên. Khi bắt tay vào xây dựng công trình, chúng tôi đã lựa chọn xây dựng hệ thống xử lý nước sinh hoạt tiên tiến nhất, sử dụng nguồn nước đầu vào là nước mặt sông Luộc, nước cấp tới hộ dân bảo đảm quy chuẩn quốc gia”.

Theo báo cáo kết quả ngoại kiểm chất lượng nước của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) trong 6 tháng qua, số mẫu nước có chỉ tiêu không đạt đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 5 – 7% số cơ sở có mẫu nước không đạt (năm 2018, số mẫu nước không đạt chiếm tới 30 – 40%).

Mục tiêu của tỉnh là đến hết năm 2020, tỷ lệ người dân dùng nước sạch đạt quy chuẩn đạt 100%. Để tăng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sinh hoạt từ trạm cấp nước tập trung là chưa đủ. Quan trọng hơn, chất lượng nước phải bảo đảm để người dân yên tâm dùng, phát huy hiệu quả hoạt động bền vững của trạm cấp nước. Để làm được điều đó đòi hỏi mỗi đơn vị cấp nước phải tự ý thức trong việc nâng cao, bảo đảm chất lượng nước cấp tới người dùng; mặt khác tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng nước sạch đối với các cơ sở cấp nước.

 

message zalo