Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Hưng Yên chuẩn bị đấu giá 9 nhà máy nước và 1 công trình mạng đường ống cấp nước sạch

Ngày đăng: 05/12/2024

Thực hiện Chương trình PforR (chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo vốn vay của Ngân hàng Thế giới), từ năm 2013, toàn tỉnh có 18 dự án, gồm 9 nhà máy và 1 công trình mạng đường ống cấp nước được đầu tư, xây dựng. 

Công nhân Nhà máy nước sạch Phú Thịnh (Kim Động) vận hành hệ thống cấp nước

Sau khi các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đã cấp nước sạch cho người dân của 23 xã. Tổng số hộ đã đấu nối là 37.105/37.817 hộ, đạt 98% so với thiết kế. Các công trình được UBND tỉnh tạm giao cho Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (viết tắt là trung tâm) quản lý, vận hành.  

Sau khi tiếp nhận tạm quản lý, vận hành các nhà máy nước thuộc chương trình PforR, trung tâm đã phân công cán bộ trực tiếp quản lý nhà máy; tổ chức triển khai tập huấn cho nhân viên kỹ thuật, công nhân; thuê gần 100 công nhân làm việc tại các nhà máy nước; hằng năm trích kinh phí để sửa chữa hệ thống, thiết bị... 

Đồng chí Hoàng Nghĩa Tài, Giám đốc trung tâm cho biết: Để bảo đảm duy trì hoạt động tại các nhà máy nước do trung tâm đang tạm quản lý, hằng năm từ nguồn doanh thu, trung tâm đều trích một phần để thực hiện hoạt động sửa chữa. Tuy nhiên, do các công trình cấp nước được đầu tư từ nhiều năm nên hạ tầng xuống cấp, các nhà máy đã tiệm cận công suất thiết kế. Mặt khác, do chưa có quyết định bàn giao chính thức nên việc sửa chữa, đầu tư, nâng cấp tại các nhà máy còn hạn chế. 

Năm 2015, sau khi tiếp nhận quản lý và vận hành Nhà máy nước tại xã Minh Tân (Phù Cừ), trung tâm đã cử cán bộ quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng nước sạch. Ông Vũ Văn Hải, tổ trưởng nhà máy cho biết: Trong quá trình hoạt động, việc đầu tư, nâng cấp hệ thống tại nhà máy hầu như không có, chủ yếu sửa chữa, thay thế thiết bị, hệ thống đã cũ, hỏng để bảo đảm duy trì hoạt động chứ chưa có đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. 

Cũng như Nhà máy nước sạch xã Minh Tân, Nhà máy nước xã Long Hưng (Văn Giang) được trung tâm tiếp nhận quản lý, vận hành từ năm 2015. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, đến nay công suất của nhà máy đã tiệm cận, không đáp ứng được nhu cầu của người dân, tình trạng thiếu nước xảy ra vào ngày nắng nóng, đợt cao điểm lễ, tết. Ông Đỗ Khắc Nam, tổ trưởng nhà máy cho biết: Nhà máy hiện đang khai thác nước ngầm là nguồn nước đầu vào, công suất thiết kế 2.750 m3/ngày đêm. Để bảo đảm cấp nước phục vụ người dân, hằng năm, nhà máy thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng hệ thống, khắc phục, sửa chữa sự cố trong quá trình vận hành. Từ cuối năm 2019, nhà máy hoạt động tiệm cận công suất. Tuy nhiên, do mới chỉ tạm giao quản lý, vận hành nên nhà máy không thực hiện được việc nâng công suất. Để bảo đảm cung cấp đủ nước sạch cho người dân, đầu năm 2020, trung tâm đã trích kinh phí gần 500 triệu đồng đầu tư hệ thống đường ống, thực hiện mua buôn nước sạch từ nhà máy khác để bán cho người dân. 

Bên cạnh khó khăn trong việc đầu tư, nâng cấp hệ thống, một khó khăn khác khiến hoạt động tại các nhà máy nước chưa phát huy hết hiệu quả hoạt động đó là việc khó  thu hút đội ngũ công nhân có trình độ cao. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, quản lý Nhà máy nước sạch xã Phú Thịnh (Kim Động) cho biết: Hiện nay, đa số công nhân đang làm việc tại nhà máy có trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Việc thu hút công nhân có trình độ đại học về làm việc rất khó. Do đó, hầu hết công nhân chỉ tham gia hoạt động sửa chữa, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động tại nhà máy còn rất hạn chế.

Theo báo cáo của trung tâm, đến nay, 9 nhà máy đang hoạt động đã tiệm cận công suất; 3 nhà máy phải thực hiện mua nước để cung cấp cho người dân; 4 nhà máy khai thác nước ngầm phải giữ nguyên hiện trạng khai thác vì theo quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với các nhà máy nước đang khai thác nước ngầm chỉ được khai thác theo đúng giấy phép khai thác đã được cấp; việc mở rộng, nâng công suất hoặc xây mới các nhà máy nước sạch chỉ được thực hiện từ nguồn nước mặt khai thác trực tiếp hoặc mua từ các nhà máy nước mặt lân cận… Để nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý công trình cấp nước sau đầu tư, tránh lãng phí, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong sử dụng, vận hành nước tiết kiệm, hiệu quả. Hiện nay, các sở, ngành và các đơn vị liên quan đang tập trung thực hiện Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 15/6/2023 về triển khai thực hiện Nghị định số 43/2022/NĐ- CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. Theo đó, tỉnh triển khai thực hiện đấu giá 9 nhà máy nước và 1 công trình mạng đường ống cấp nước được đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình PforR. Đến nay, tỉnh đã thành lập hội đồng kiểm tra thực trạng quản lý, vận hành của các nhà máy nước trên; đồng thời thực hiện các bước trong quy trình đấu giá theo quy định của pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Văn Kình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Chủ trương đấu giá các nhà máy nước thuộc Chương trình PforR không chỉ huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho sản xuất và cung ứng nước sạch mà còn góp phần nâng cao chất lượng, tăng tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch để thực hiện kế hoạch này bảo đảm tiến độ, chất lượng.

 

Nguồn: Báo Hưng Yên

message zalo