Đang tải...
Ngày đăng: 11/12/2024
Để thực hiện lộ trình 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch vào năm 2025, song song với đẩy nhanh các phương án chuyển vùng, chuyển nguồn cấp nước sang đơn vị mới có đủ năng lực, việc vận động xã hội hoá nguồn kinh phí để hoàn trả phần giá trị tài sản còn lại của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư tại các nhà máy nước phải dừng hoạt động đang là vấn đề cấp thiết đặt ra.
Đến cuối tháng 11/2024, toàn thành phố đã có 12 doanh nghiệp thực hiện chuyển nguồn cấp nước sang đơn vị mới. Tuy nhiên, số hộ dân được dùng nguồn nước sạch vẫn còn thấp bởi tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng cấp nước còn chậm.
Điển hình phải nhắc tới xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo - địa phương đi đầu trong phương án nhà máy nước mi-ni chuyển vùng cấp nước cho đơn vị đủ năng lực cung cấp nước cho người dân. Tới nay, sau hơn 6 tháng thực hiện chuyển nguồn cấp nước sang Công ty CP Cấp nước Hải Phòng, hơn 1.200 hộ dân các thôn: Kim Ngân, Đông Hồng, An Cầu, Cụm dân cư Kinh tế mới của xã vẫn chưa được dùng nước sạch.
Tương tự, tại xã Đông Phương (huyện Kiến Thụy), sau khi nước sinh hoạt đã được chuyển nguồn phục vụ sang Công ty CP Cấp nước Hải Phòng, toàn xã mới có 859/1.400 hộ đăng ký lắp đặt đồng hồ. Số hộ còn lại do chưa được lắp đặt vẫn đang sử dụng nước do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đại Thái cung cấp.
Lý giải về sự chậm trễ này, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng cho biết, nguyên nhân do thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian, bởi để thực hiện xong thủ tục triển khai 1 dự án phải mất khoảng 9 tháng mới hoàn thành.
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai thành phố, ngoài những khó khăn trên, hiện việc xác định giá trị tài sản còn lại của các doanh nghiệp quản lý nhà máy nước (cũ) đã đầu tư tăng thêm chưa đồng bộ, một số địa phương thậm chí chưa triển khai.
Trước thực tế trên, để bảo đảm mục tiêu 100% số người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn vào năm 2025, Sở NN&PTNT đang tích cực phối hợp các địa phương, đơn vị tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng cấp nguồn nước mới nhất là hạ tầng đấu nối, đồng thời rà soát từng thôn, xóm số lượng các hộ chưa được sử dụng nước sạch từ các nhà máy nước tập trung.
Đối với những nhà máy nước đã đồng thuận chuyển nhượng quyền kinh doanh ký hợp đồng với các đơn vị cấp nước mới, Sở yêu cầu xây dựng gấp đường ống trục chính, đường ống nhánh và sớm lắp đặt đồng hồ cấp nước tới các hộ dân, đặc biệt khẩn trương xác định rõ giá trị đầu tư, nhanh chóng hoàn thiện thủ tục bàn giao, thanh lý, đấu nối và tiến độ cấp nước tới các khu vực dân cư nông thôn.
Đối với việc vận động xã hội hóa nguồn kinh phí để hoàn trả phần giá trị tài sản còn lại của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư tại các nhà máy nước cũ phải dừng hoạt động. Hiện, UBND các huyện đang thực hiện rà soát, xác định giá trị còn lại của các cơ sở này và xác định giá trị tính bình quân dự kiến phân bố cho các hộ dân trong vùng phục vụ.
Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết Nguyễn Văn Hoạt cho biết, ngay sau khi Đảng bộ ra Nghị quyết, UBND xã đã ban hành kế hoạch về việc vận động xã hội hoá nguồn kinh phí để hoàn trả giá trị tài sản còn lại của nhà máy nước phải dừng hoạt động trên địa bàn.
Theo đó, bình quân dự kiến sẽ thu 2.511.000 đồng/ 1 hộ. Việc thu sẽ hoàn thành trong tháng 5/2025 (được chia làm 2 giai đoạn từ tháng 11/ 2024 đến tháng 5/2025).
Tương tự, tại xã Cấp Tiến, qua tính toán mỗi hộ dân phải nộp hơn 1,7 triệu đồng, hiện chính quyền đã tiếp nhận hơn 800 triệu đồng của 465 hộ dân (trong đó có gần 40 triệu đồng tiền là vận động con em xa quê, tổ chức cá nhân ủng hộ).
Với động thái tích cực trên cũng như sự đồng thuận của người dân các địa phương, tin rằng trong năm 2025, các huyện của Hải Phòng sẽ sớm được giải "cơn khát nước sạch.
Nguồn: Báo An ninh Hải Phòng