Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Khát nước sạch - Hệ quả nghiêm trọng đối với trẻ em

Ngày đăng: 05/01/2022

 

Trẻ em và những hệ quả từ khủng hoảng nước sạch.  

Thiếu tiếp cận với nước sạch và vệ sinh vẫn luôn là một thách thức lớn ảnh hưởng đến trẻ em ở Việt Nam. Nước sạch, nhà vệ sinh cơ bản và thực hành vệ sinh tốt là rất cần thiết cho sự sống còn và phát triển của trẻ em đã được nhà nước và các Hiệp Hội trên thế giới quan tâm và công nhận. 

Tuy nhiên tình trạng thiếu nước sạch đang ngày càng trở nên trầm trọng, không chỉ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, mà còn tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Theo ước tính của UNICEF, Việt Nam có khoảng 17 triệu (52%) trẻ em chưa được sử dụng nước sạch. Thiếu nước sạch và vệ sinh kém được xem là nguyên nhân hàng đầu khiến 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.

 

Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen. Điều rất đáng lo ngại là, trên thực tế vẫn còn một bộ phận dân cư bất chấp những con số báo động đỏ này. 

 

Theo một báo cáo gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn.

Tại các vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, nguy cơ trẻ em dễ dàng bị tổn thương và mắc bệnh gây ra bởi nguồn nước không an toàn chiếm tỷ lệ cao.

Những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nguồn nước 

Chất thải khu chế biến thủy sản, khu giết mổ, chế biến thực phẩm và hoạt động lưu thông với khí thải hóa chất cặn sau sử dụng khu xí nghiệp. Chế xuất, khai thác khoáng sản, dầu mỏ, dầu khí không được xử lý đã xả trực tiếp vào nguồn nước. Hay rác thải do con người thải ra môi trường, đều là những nguyên nhân chính khiến cho nguồn nước đã và đang trở nên ô nhiễm nghiêm trọng.  

Thực tế cho thấy, không chỉ các vùng nông thôn xảy ra tình trạng thiếu nước sạch trong sinh hoạt mà tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM hay các tỉnh lân cận cũng đang xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, khan hiếm nước sạch nghiêm trọng. Và đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn luôn là trẻ em. 

Tại Thành phố Hà Nội, có khoảng 350 – 400 nghìn m3 nước thải và hơn 1.000m3 rác thải xả ra mỗi ngày, nhưng chỉ 10% được xử lý, số còn lại xả trực tiếp vào sông ngòi gây ô nhiễm nước khiến cá chết hàng loạt ở Hồ Tây, mức độ ô nhiễm rộng khắp 6 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ).

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ô nhiễm môi trường nước điển hình nhất là ở cụm công nghiệp Thanh Lương, có tới khoảng 500.000m3 nước thải/ngày từ các nhà máy bột giặt, giấy, nhuộm. Ô nhiễm nguồn nước đã để lại không ít hệ lụy vô cùng nghiêm trọng cho người dân trên cả nước. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có 37 làng ung thư, trong đó có đến 10 làng ung thư có nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Hàng chục ngàn trẻ em ở các làng này vẫn phải chung sống hàng ngày với nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tương lai trẻ. Thống kê của UNICEF cũng cho biết, có đến 1,4 triệu trẻ em chết hàng năm do sử dụng nước bẩn.  Con số này vẫn sẽ tiếp tục tăng lên nếu không có giải pháp thiết thực hơn từ phía Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ, cung cấp nguồn nước sạch, để trẻ em có thể sống và phát triển một cách toàn diện. 

Hành động thực tế hơn. 

Đưa nước sạch vào trường học được xem là một trong những giải pháp có khả năng cải thiện tình trạng trẻ em không được tiếp cận với nước sạch. 

Thự tế cho thấy, hơn 80% các trường học ở Việt Nam có các công trình nước sạch và vệ sinh, tuy nhiên ở nhiều trường học vẫn còn nhiều công trình không hoạt động đầy đủ hoặc đang trong tình trạng xuống cấp. 

Vẫn còn hơn 5 triệu học sinh phổ thông chưa được sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh đảm bảo (theo số liệu của Bộ giáo dục và Đào tạo năm 2020). 

Ông Kelly Ann Naylor, Giám đốc Nước, Vệ sinh môi trường và Vệ sinh Toàn cầu của UNICEF cho biết: “Nếu giáo dục là chìa khóa để giúp trẻ em thoát nghèo, tiếp cận với nước và vệ sinh là chìa khóa để giúp trẻ em tối đa hóa giáo dục một cách an toàn. Bỏ bê điều này là bất cẩn với sức khỏe của trẻ em.”

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Thị Hà (Khoa Môi Trường, Trường Đại Học Khoa học Tự Nhiên) đã đưa ra các giải pháp đối tượng nước ô nhiễm như với nước mặn: Cần kiểm soát các nguồn thải đổ vào thủy vực nước mặt (kiểm soát tại nguồn). Đối với các thủy vực đã bị ô nhiễm có thể dùng một số biện pháp để phục hồi, giảm ô nhiễm như: nạo vét bùn, trầm tích; sử dụng thực vật thủy sinh để hút thu (hấp thu) các thành phần ô nhiễm; sử dụng các biện pháp cơ lý để làm tăng hàm lượng oxi hòa tan trong nước (xáo trộn bề mặt, tạo dòng chảy,...) có thể xử lý bằng bãi lọc trồng cây (nhận tạo),.... Nước thải: xử lý nước thải trước khi đổ vào môi trường bằng các biện pháp, công nghệ lý, hóa, sinh như keo tụ tạo bông để loại thành phần rắn lơ lửng, phân hủy sinh học để loại bỏ/phân hủy thành phần hữu cơ, kết tủa hay tách màng để loại bỏ các ion,...

Chúng ta vẫn ngày ngày thấy trên mọi phương tiện truyền thông đều hô hào khẩu hiệu “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em” nhưng những hành động phá hủy môi trường để chạy theo những lợi nhuận khổng lồ về kinh tế của người lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của trẻ.  

Đưa nước sạch và vệ sinh vào các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các Chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình Nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các chương trình về y tế, dinh dưỡng để tăng tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho người dân ở các vùng miền khó khăn, ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu, tối đa hóa lợi ích về kinh tế, xã hội, sức khỏe cho người dân và đặc biệt cho sự phát triển của trẻ em.       

Mặc dù nhiều chương trình như vậy, nhưng chưa thực sự thấy hiệu quả rõ rệt vẫn là hô hào khẩu hiệu một cách sáo rỗng.

Cần phải có những hành động thiết thực bám sát thực tiễn đời sống và đẩy nhanh hành động về nước - khí hậu bao gồm: tăng cường quản lý nước và năng suất nước để quản lý sự cạnh tranh giữa nhu cầu nước của sinh hoạt, nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và hệ sinh thái. 

Ưu tiên phát triển bền vững kinh tế gắn với bảo vệ môi trường như chính cách bảo vệ cuộc sống của mọi người đặc biệt là sức khỏe của trẻ.

Việt Nam vẫn phải đối mặt với những trở ngại trong việc cung cấp nước sạch cho 100% dân số. Ngập lụt, ô nhiễm, hạn hán, cạnh tranh nguồn nước trong mùa khô và các chất gây ô nhiễm đã góp phần làm suy giảm nguồn cung cấp nước sạch. 

Thế giới cho rằng, tác động của ô nhiễm nguồn nước đối với sức khỏe con người là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng nếu những thách thức này không được giải quyết vào năm 2035, Việt Nam có thể giảm 6% GDP hàng năm.

 

message zalo