Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Lai Châu: Nước sạch về bản

Ngày đăng: 21/06/2024

 

Chúng tôi có mặt tại bản Nậm Tảng, một bản người Dao thuộc xã biên giới Hua Bum. Trước kia, bà con phải dùng thùng, xô đi gùi nước ở những khe suối xa bản hàng ki-lô-mét về để dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Những ngày thời tiết hanh khô kéo dài, nhiều hộ phải cắt cử riêng một người chỉ để đi lấy nước. Năm 2022, bản được đầu tư hệ thống dẫn nước về bản. Với bà con nơi đây, đó là niềm vui lớn sau bao năm mong chờ. Anh Tẩn A Sình (người dân bản Nậm Tảng) cho biết: Có nước sinh hoạt về bản, dân bản vui lắm bởi như trút bỏ được gánh nặng bao nhiêu năm nay. Nước dẫn về từng gia đình, không chỉ cho sinh hoạt mà việc chăn nuôi cũng trở nên thuận lợi hơn. Nhờ có nguồn nước ổn định, gia đình tôi và nhiều hộ khác trong bản thời gian tới sẽ xây nhà tiêu hợp vệ sinh và mở rộng chuồng trại chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Đồng chí Đỗ Quang Ngọc - Chủ tịch UBND xã Hua Bum cho biết: Với đặc thù là xã biên giới còn nhiều khó khăn, những năm qua, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã được đầu tư các dự án nước sinh hoạt đảm bảo nguồn nước sử dụng cho người dân. Từ đó, giúp nhân dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Hiện, 100% số hộ trong xã được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Niềm vui có nước sinh hoạt về bản không chỉ ở Nậm Tảng mà còn ở nhiều bản vùng cao, vùng sâu, biên giới của huyện. Theo thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, các chương trình, dự án xây dựng công trình nước sạch hợp vệ sinh cho người dân vùng cao luôn được huyện quan tâm triển khai thực hiện. Hằng năm, huyện quan tâm bố trí nguồn kinh phí để thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, nước sinh hoạt tập trung bằng hình thức xây dựng mới hoặc duy tu, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt. UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thống kê, kiểm tra, rà soát hiện trạng, đánh giá các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn; triển khai nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn xuống cấp, kém hiệu quả; có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tại bản. Trên địa bàn huyện hiện có 65 công trình nước sinh hoạt cơ bản đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân. 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 98% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Các công trình nước sinh hoạt được đầu tư góp phần giải quyết vấn đề khó khăn về nước sinh hoạt trên địa bàn, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; từng bước góp phần hoàn thành tiêu chí “môi trường và an toàn thực phẩm” trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Từ nay đến hết nhiệm kỳ, mục tiêu của huyện Nậm Nhùn là 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, để hoàn thành được mục tiêu đó huyện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó, với những bản vùng cao địa hình hiểm trở, đồi núi dốc bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao, vực sâu, thường xuyên xảy ra sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét làm thiệt hại, ảnh hưởng đến các công trình nước sinh hoạt. Một số công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước nên nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp, hết khấu hao, trong khi nguồn vốn duy tu, sửa chữa hạn hẹp. Hầu hết các tuyến công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn có chiều dài lớn, đầu mối nằm ở vị trí núi cao, địa hình phức tạp, xa khu dân cư. Dẫn đến công tác quản lý, khai thác, vận hành các công trình nước sinh hoạt sau đầu tư gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Ý thức bảo vệ công trình sau đầu tư, việc giữ gìn tài sản công cộng của người dân còn hạn chế.
Ông Nguyễn Thành Đồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Thời gian tới huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt và huy động nhân dân đóng góp công sức, chi trả tiền sử dụng nước để duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời khi công trình hư hỏng nhỏ. Vận động nhân dân tham gia trồng, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước. Khuyến khích phát triển các mô hình quản lý khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn.
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, đến nay tỷ lệ người dân huyện vùng cao Nậm Nhùn được sử dụng nước hợp vệ sinh được nâng lên. Có nước giúp người dân từng bước cải thiện đời sống, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy kinh tế phát triển.

 

message zalo