Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Long An: Xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao

Ngày đăng: 10/07/2017

(Mard-10/7/2017) - Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh  Long An cho biết, Long An vừa triển khai xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Đức Hòa và Đức Huệ. 
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An xây dựng 3 mô hình điểm thực hiện ứng dụng công tác quản lý sản xuất chăn nuôi theo quy trình VietGAP, công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi ở 3 hộ chăn nuôi bò thịt. 
Theo bà  Khanh, thông qua mô hình điểm các hộ chăn nuôi bò, người chăn nuôi bò trong tỉnh có thể tham quan, học tập kinh nghiêm, áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. 
Tỉnh Long An đặt mục tiêu xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ, đến năm 2020 sẽ tăng khoảng 5.000 con bò hướng thịt; trong đó, có từ 3.500 - 4.000 con bò hướng thịt chất lượng cao. 
Tại các các mô hình điểm, hộ chăn nuôi được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn gieo trồng thâm canh các giống cỏ có năng suất và chất lượng cao; hướng dẫn nâng cấp và điều chỉnh kết cấu chuồng trại thích hợp quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học... Đồng thời, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ chăn nuôi như máy trộn TMR, máy băm cỏ, hệ thống làm mát... 
Ngoài ra, các ngành chức năng tổ chức truyền thông về lĩnh vực giống, công nghệ trong lĩnh vực dinh dưỡng, giới thiệu các phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng trong chăn nuôi bò thịt, các biện pháp xử lý chất thải, lợi ích của việc thực hiện liên kết theo chuỗi ngành hàng trong chăn nuôi./. 

 

 

Cà phê mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã xuất khẩu sang nhiều nước 
(Mard-10/7/2017) - Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, cà phê nhân Robusta của tỉnh Đắk Lắk mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Việc xuất khẩu cà phê nhân mang thương hiệu này không những nâng cao giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp mà còn quảng bá sản phẩm cà phê nhân của tỉnh Đắk Lắk đến với nhiều nước trên thế giới. 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 11 doanh nghiệp kinh doanh cà phê được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, với sản lượng đăng ký trên 46.622 tấn cà phê nhân/năm. 
Trong đó, Công ty TNHH Một thành viên xuất khẩu cà phê 2/9 Đắk Lắk là đơn vị đi đầu trong việc thương mại được sản phẩm cà phê nhân Robusta mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột xuất khẩu đến các nước trên thế giới. Chỉ riêng niên vụ cà phê 2015 – 2016, Công ty đã xuất khẩu được 2.584 tấn cà phê nhân mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột sang thị trường các nước Bỉ, Nhật Bản, Australia, Laban, Rumani, Ukraina, Nga… 
Theo Công ty TNHH Một thành viên xuất khẩu cà phê 2/9 Đắk Lắk, cà phê nhân có chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột bán cho các nhà rang xay trên thế giới giá cũng tăng thêm từ 40 đến 60 USD/tấn. 
Ngoài việc tham gia xuất, các công ty được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cũng đã đưa cà phê nhân có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột giao thương với các nhà rang xay trong nước nhằm tăng cường hệ thống nhận diện, quảng bá thương hiệu này tại các tỉnh, thành như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng… 
Tỉnh Đắk Lắk cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tham gia các hội chợ triển lãm ở nước ngoài để quảng bá sản phẩm cà phê có chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. 
Mặt khác, hiện nay cũng đã có 10 quốc gia, vùng lãnh thổ như Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Canada, Nga và Luxembourg đã đồng ý bảo hộ nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột Coffee”. Hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đang phối hợp với đoàn chuyên gia của dự án EU-Mutrap để xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dân địa lý cà phê Buôn Ma Thuột vào thị trường EU. 
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê, các đơn vị chức năng hiện đang đề nghị tỉnh Đắk Lắk sớm ban hành các quy định về cà phê có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê rang xay, bộ tiêu chuẩn chất lượng, quy chế kiểm soát chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê rang xay… 
Cũng theo UBND tỉnh Đắk Lắk, vùng địa danh cà phê có tổng diện tích 107.500 ha, nằm tại các huyện Cư M’gar, Ea H’leo, Krômng Ana, Cư Kuin, Krông Búk, Krông Pắk, Krông Năng và Buôn Ma Thuột. Cà phê nhân mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột là cà phê vối (Robusta) được sản xuất theo quy trình sản xuất bền vững, thực hành nông nghiệp tốt, hoặc sản xuất có chứng nhận… 
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, việc xuất khẩu sản lượng cà phê nhân có chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột vẫn còn quá ít so với yêu cầu, trong khi đó, mỗi niên vụ, tỉnh Đắk Lắk luôn đạt sản lượng cà phê nhân Robusta từ 450.000 tấn trở lên./.
message zalo