Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Miền núi Quảng Nam thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Ngày đăng: 19/06/2024

Thiếu nước trầm trọng

Tháng 6, trời nắng như đổ lửa, các khe suối đã cạn khô từ đầu hè, nhiều hộ dân thôn 3, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam phải thay phiên nhau hứng từng giọt nước “quý hơn vàng” ở ống nước tự chảy đầu làng. Họ không dám giặt quần áo, chỉ dùng vào sinh hoạt cần thiết như nấu ăn, tắm gội…

Chị Nguyễn Thị Lệ Chi - người dân địa phương - cho hay, cứ đến tháng 6 và tháng 7 là giếng cạn. Bà con khổ lắm, khó khăn nhất là không có nước để dùng nên phải dậy thật sớm, vượt nhiều cây số xuống phố để hứng nước về dùng.

Chẳng phải bây giờ mà nhiều năm nay, cứ đến mùa nắng nóng người dân các huyện miền núi Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My… lại đứng ngồi không yên vì thiếu nước sạch sinh hoạt. Nhiều nhà góp tiền làm giếng đào, giếng đóng nhưng đa phần bị nhiễm phèn, có mùi tanh không sử dụng được.

“Do địa hình xa xôi, cách trở, đường dây dẫn nước sinh hoạt không đến được vì địa hình núi cao, trắc trở nên người dân quanh năm dùng nước tự chảy từ các khe suối. Mùa hè nước cạn khô, giếng đào xuống sâu mà nước phèn nhiều, đục, không sạch, uống vào nhiều lúc đau bụng”- anh Pơ Loong Ngà, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang nói.

Học sinh cũng “khát” nước sạch

Dù được học bán trú tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Don nhưng sau giờ học, nhiều học sinh huyện Nam Trà My phải lội bộ hơn cây số để đến nhà dân xin nước tắm rửa, giặt quần áo. Nhiều hôm, các em phải xếp hàng chờ, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập.

Thầy Nguyễn Nguyên Bá – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do điều kiện kinh tế khó khăn, mà chi phí khoan giếng lên đến 40-50 triệu đồng nên nhà trường chỉ có thể mua ống nhựa để dẫn nước từ các khe suối về sử dụng. Thế nhưng, sau mỗi trận mưa lớn, đất cát lấp các ống nước gây ô nhiễm nguồn nước, không đảm bảo vệ sinh.

Theo lãnh đạo địa phương, giải pháp lâu dài, căn cơ hiện nay là phải cải tạo được rừng đầu nguồn nước, hạn chế tình trạng canh tác đầu nguồn nước vì sẽ làm khô tầng nước ngầm. Đồng thời, phải khoan giếng nhưng cần có chi phí lớn.

Để giải quyết bài toán trước mắt, chính quyền các địa phương miền núi đã kiểm tra, sửa chữa hệ thống nước tự chảy. Đồng thời, tập trung nạo vét kênh mương, tiết kiệm nước tưới và lên kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp với thời tiết khô hạn để hạn chế thiệt hại. Riêng huyện Nam Giang, từ năm 2016 đến nay đã triển khai đầu tư xây dựng 18 công trình nước sạch sinh hoạt, với tổng kinh phí hơn 53 tỉ đồng.

Ông Tơ Đêl Sơn - Chủ tịch UBND xã Chà Vàl, huyện miền núi Nam Giang - cho hay: “Có thôn, công trình nước đã đầu tư trước đây rồi nhưng hiện nay đã xuống cấp. Nếu trời không mưa chắc chắn thiếu nước. Trước đây, họ tự đào giếng, khoan giếng nhưng chỗ có nước chỗ không, nước lại bị đục không sạch. Mong muốn của bà con là nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư công trình nước sạch”.

 

message zalo