Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Mỏi mòn' chờ nước sạch: Đào 9 giếng khoan thì phải lấp 7 giếng

Ngày đăng: 09/10/2024

Nhiều hộ gia đình tại xã Đồng Ích (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để tìm nguồn nước trong thời gian chờ nước sạch về làng.

Muốn có nước sinh hoạt, người dân buộc phải đi xin nước, mua nước rồi bơm ngược lên téc nước của gia đình để sử dụng

Thiếu nước trầm trọng

Mạch nước ngầm giảm, thiếu nước chăn nuôi thậm chí là nước sinh hoạt… là tình cảnh của nhiều hộ gia đình ở thôn Xuân Đán (xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch) trong nhiều năm qua. Nhiều biện pháp khắc phục tình trạng thiếu nước đã được đưa ra nhưng không phải phương án nào cũng hiệu quả.

Đầu tháng 9 đến Tết Nguyên đán là thời điểm giếng đào của nhiều hộ dân nhìn được thấu đáy, giếng khoan cũng khô nước, những hộ dân trong làng chia nhau từng téc nước. Nhiều hộ gia đình xây bể nước mưa để tích lại dùng dần. Thậm chí có những hộ còn phải mua nước của những gia đình khác trong làng để có nước ăn uống, giặt giũ…

Nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Bởi giá 1m3 nước (1.000 lít) là 200.000 đồng, nước này thường được sử dụng cho hoạt động sinh hoạt. Mỗi khi mùa khô đến, trung bình một hộ gia đình phải bỏ ra từ 6-7 triệu đồng để mua nước sinh hoạt. Thậm chí với những hộ gia đình chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò… con số này còn lớn hơn rất nhiều.

May mắn hơn nhiều gia đình khác trong làng, nhà bà Phạm Thị Vững (68 tuổi, Xuân Đán, Đồng Ích) đã xin được nước của một gia đình khác trong làng. Tuy nhiên, câu chuyện đi xin nước lại chất chứa nhiều nỗi niềm của bà Vững. Bà bộc bạch: “Đi xin nước nhà người ta nhiều khi cũng tủi lắm. Mổ được con lợn, thì chia 3, chia 4 cho những nhà mà mình xin nước mà chẳng dám lấy một đồng. Họ cho mình nước mà. Nước nó quý thế đấy…”.

Chung cảnh ngộ với bà Vững, ông Nguyễn Văn Cường (57 tuổi, Xuân Đán) cũng là một trong số những hộ từng thiếu nước trầm trọng. Theo lời ông Cường: “Mình đi xin trong làng, hàng xóm. Họ chẳng lấy tiền đâu nhưng cũng phải gửi người ta tiền điện vận hành máy bơm. Thiếu ăn thiếu mặc còn đi vay được chứ thiếu nước thì khổ lắm…”, ông Cường chia sẻ.

Đi tìm nguồn sống

Đi mua, đi xin hay dùng nước mưa chỉ là giải pháp nhất thời của bà con chứ chưa thế giải quyết triệt để thực trạng thiếu nước. Nhiều hộ dân đã quyết định chi tiền để khoan giếng, đào giếng nhằm “giải quyết một lần cho xong”.

Vì là hộ chăn nuôi nên gia đình anh Nguyễn Thế Huy (44 tuổi, Xuân Đán) khó có thể gồng gánh số tiền mua nước mỗi vụ. Anh Huy quyết định thuê người khoan giếng, mua dây dẫn để dẫn nước về sinh hoạt.

Giếng khoan sâu hơn 30m này đã giải được cơn khát trong nhiều năm qua của hộ gia đình anh Huy và họ hàng

 

Khu vực sân vườn nhà anh Huy đã từng chứa tới 5 cái giếng khoan, 3 giếng đào. Đồng ruộng cũng là địa điểm để người đàn ông này khoan giếng, tìm nguồn nước cho gia đình. 125m là độ sâu của chiếc giếng sâu nhất trong 9 chiếc giếng của hộ gia đình này. Thế nhưng anh Huy cũng đành ngậm ngùi lấp đi 7 chiếc trong sân giếng vì không có nước.

Bỏ ra cả trăm triệu đồng để khoan giếng tìm nước nhưng đều công cốc, anh Huy đành phải quay về với câu chuyện đi xin nước, đi mua nước. Nhưng rồi may mắn cũng đến với người đàn ông này. Anh Huy cùng một người họ hàng gần nhà đã khoan giếng và chỉ với độ sâu hơn 30m chiếc giếng đã giải cơn khát bấy lâu nay cho 3 hộ gia đình xung quanh.

Để có giếng khoan hiện đang sử dụng, anh Nguyễn Thế Huy đã phải bỏ ra hơn 16 triệu đồng. Chi phí là không nhỏ thế nhưng để giải cơn khát thì giá nào anh Huy cũng sẽ trả.

message zalo