Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Nâng cao hiệu quả các công trình nước sinh hoạt sau đầu tư

Ngày đăng: 14/09/2020

 

Những điểm sáng

Qua tìm hiểu thực tế ở các địa phương vùng miền núi, hiện nay tại khu vực này có hàng trăm công trình cấp nước đang bị xuống cấp, hư hỏng, không hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều công trình đang phát huy được hiệu quả sau đầu tư góp phần giúp người dân tiếp cận nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, bảo đảm chất lượng cuộc sống.

Đến thăm công trình nước sinh hoạt xóm 1, xã Vĩnh Quang, TP Cao Bằng (Cao Bằng), chúng tôi mới thấy những cách làm bài bản cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương và người dân nơi đây với mong muốn giúp nhân dân có được nguồn nước sạch sử dụng. Anh Hoàng Văn Hội, thành viên trong tổ vận hành công trình cấp nước sinh hoạt xóm 1 xã Vĩnh Quang chia sẻ “ Trước đây, tôi là trưởng xóm thấy người dân vất vả đi “cõng” từng thùng nước về sinh hoạt nên rất băn khoăn. Sau thời gian tuyên truyền, người dân trong xóm rất ủng hộ để xây dựng công trình nước sinh hoạt trên địa bàn. Khi triển khai, người dân đối ứng vốn bằng ngày công lao động, quy ra tiền khoảng ba triệu đồng/hộ. Năm 2016, công trình được đưa vào sử dụng và hiện đang hoạt động tốt, cấp nước cho 73 hộ dân. Hiện nay, đường ống nước được kéo đến từng gia đình, có lắp đồng hồ, giá tiền nước là 3.000 đồng/m2. Việc thu phí nước cũng chỉ giúp nhân dân ý thức hơn trong việc sử dụng nước. Đồng thời, số tiền này sẽ dùng để trả phủ cấp cho tổ vận hành, trả tiền điện, bão dưỡng, sửa chữa. Ngoài ra, một phần nữa để cho vào quỹ nhằm dự phòng xử lý những tình huống xảy ra sự cố đột xuất”.

Bác Hoàng Xuân Sinh, xã Hoàng Tung huyện Hòa An (Cao Bằng) thành viên tổ vận hành công trình nước sinh hoạt xã Hoàng Tung cho biết “công trình nước trên địa bàn xã được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2019 bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới. Hiện nay, công trình đang cấp nước cho 366 hộ dân ở ba xóm trên địa bàn xã. Bình quân mỗi tháng, các hộ dân sử dụng khoảng 1.500 m3 nước với giá bán 6.000 đồng/m3. Số tiền này để trả phụ cấp cho tổ vận hành bốn người, dùng trả tiền điện, vật tư sửa chữa và để vào quỹ sử dụng khi cần thiết. Hằng ngày, tôi dạy từ sáng sớm, vận hành máy bơm khoảng hai tiếng để bơm nước vào bể lắng và một lần như vậy vào buổi chiều để bảo đảm đủ nước cung cấp cho dân trong xã”. Là một trong những hộ dân được hưởng lợi từ công trình nước này, bác Phạm Thị Minh, xóm Làng Đền xã Hoàng Tung không giấu được niềm vui “trước đây, gia đình tôi dùng nước giếng khoan và ăn trực tiếp, ô nhiễm lắm! Từ khi công trình nước đi vào hoạt động, gia đình tôi đã được dùng nước bảo đảm vệ sinh. Hiện nay, bình quân mỗi tháng với bốn người, gia đình tôi dùng khoảng 13 m3 nước”.

Đổi mới công tác quản lý

Không chỉ riêng tỉnh Cao Bằng, mà hiện nay ở nhiều tỉnh miền núi như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thanh Hóa…cũng có nhiều mô hình cấp nước sạch sau đầu tư đang mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng vào đẩy nhanh tỷ lệ người dân được tiếp cận nguồn nước đảm bảo. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa các công trình cấp nước sau đầu tư thì các địa phương miền núi cần có những giải pháp phù hợp cùng những chính sách hỗ trợ, tập huấn, đào tạo cho các cán bộ vận hành. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ công trình cấp nước.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Giám đốc Trung tâm quốc gia NS và VSMTNT, Lương Văn Anh cho rằng, để bảo đảm các công trình cấp nước mang lại hiệu quả sau đầu tư thì các địa phương cần thành lập tổ, nhóm vận hành để quản lý công trình hiệu quả. Đồng thời tuyên truyền để người dân tham gia đóng góp một phần giá nước nhằm trả phụ cấp cho những người tham gia tổ vận hành. Mặt khác, với những công trình xây mới các cơ quan chuyên môn cần khảo sát nhu cầu sử dụng của người dân, tránh tình trạng đầu tư xong, nhu cầu sử dụng không nhiều. Các công trình xây dựng ở vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nếu không thu tiền nước thì cũng cần tính toán, có phương án bớt lại kinh phí để chi trả phụ cấp cho tổ vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa khi xảy ra sự cố. Cùng với đó, các địa phương cũng nên đẩy mạnh hơn việc đào tạo, tập huấn cho các cán bộ cấp xã, thôn, bản tham gia vận hành các công trình cấp nước. Tuy nhiên, phải chọn đúng nhóm đối tượng đang thực hiện quản lý công trình tại địa phương như vậy mới phát huy được hiệu quả; tránh việc đào tạo, tập huấn theo “phong trào” khi mời cả những cán bộ ở những nơi chưa có công trình nước, bởi khi xong những người này sẽ không được thực hành ngay sẽ quên các quy trình, kỹ thuật được học…

 

message zalo