Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Người dân khu vực nông thôn được hưởng lợi từ Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Ngày đăng: 11/03/2020

 

Thực hiện Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong 02 năm (2004 - 2005), Bình Thuận đã triển khai thí điểm tại 05 huyện, gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh; đến năm 2006, tiếp tục mở rộng ra các huyện còn lại và thành phố Phan Thiết; đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Thuận, các đơn vị có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Kết quả tính đến ngày 15/2/2020, Bình Thuận có hơn 160 nghìn lượt hộ dân được vay vốn (bình quân mỗi hộ vay 8,7 triệu đồng) để xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh. Doanh số cho vay đạt 1.403 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa 260 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh; qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh Bình Thuận đạt 97,7%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 87,83%... Bên cạnh đó, chương trình tín dụng nước sạch còn góp phần thực hiện các tiêu chí số 17.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định, tiêu chí số 17.6 về tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch, tiêu chí số 17.7 về tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Ông Phạm Anh Đức, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho biết, qua thực tiễn, kết quả của Chương trình cho thấy đây là Chương trình mang tính xã hội cao, không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sống, sức khỏe và môi trường ở nhiều vùng nông thôn đã được cải thiện rõ rệt mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước (đặc biệt là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa) đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ, nếu Chính phủ không cho phép tiếp tục triển khai thực hiện, người dân đang sinh sống tại khu vực nông thôn không được thụ hưởng tín dụng về cấp nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Căn cứ số liệu Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Bình Thuận, tính đến cuối năm 2018: Còn 7.676 hộ gia đình cư trú tại 31 phường và thị trấn toàn tỉnh chưa được sử dụng nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh.

Phấn đấu đến năm 2025, Bình Thuận tỷ lệ người dân nông thôn toàn tỉnh sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,5%, trong đó tỷ lệ người nghèo khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 98,5%, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia: 71,5%. Tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 97%, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh81%. Tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn toàn tỉnh có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh đạt 80%.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành chính sách thực hiện tín dụng về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2021 - 2030. Đề nghị chính sách mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với các hộ gia đình cư trú tại thị trấn, đồng thời cho vay đến đối tượng công ty, doanh nghiệp xây dựng, cải tạo các công trình cấp nước sạch và xử lý môi trường tập trung…

message zalo