Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Nhiều vùng nông thôn Hải Dương có nước sạch sử dụng

Ngày đăng: 29/07/2019

 

Nhiều năm trước đây, nói đến nước sạch là điều gì đó quá xa lạ với phần lớn người dân vùng nông thôn tỉnh Hải Dương. Nhưng hiện nay, nước sạch đã được “phủ sóng” cơ bản tới tất cả khu vực nông thôn trên địa bàn. Nổi bật trong cấp nước sạch về vùng nông thôn ở Hải Dương đó là việc thực hiện tốt xã hội hóa cung cấp nước sạch. Đến nay, trên địa bàn đã có nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia lĩnh vực này. Việc xã hội hóa không chỉ góp phần nâng tỷ lệ người dân vùng nông thôn tiếp cận nguồn nước sạch mà qua đó các doanh nghiệp tích cực đầu tư nâng cấp, cải tạo, cải tiến quy trình công nghệ sản xuất, cung úng để nâng cao chất lượng nước sạch nông thôn.

Để hoàn thành mục tiêu đưa nước sạch về nông thôn, tỉnh đã xây dựng, ban hành hàng loạt chính sách về đất đai, vốn, kỹ thuật, nguồn nhân lực và cơ chế quản lý nhằm thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch khu vực nông thôn, từng bước hình thành mạng lưới nước sạch nông thôn rộng khắp, bền vững. Các cơ quan quản lý của tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, phù hợp điều kiện kinh tế, nguồn nước, bảo đảm kiểm soát tốt chất lượng nước từ trạm sản xuất đến tận bể chứa của các hộ, tạo niềm tin trong nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 455.132 hộ dân với hơn 1,5 triệu nhân khẩu khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, gần 95% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Toàn tỉnh đã xây dựng được 78 công trình cấp nước sạch tập trung.

Có thể nói, chính từ sự vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, cùng sự linh hoạt, phù hợp của các cơ chế, chính sách, nước sạch đã được phủ khắp, góp phần thay đổi diện mạo làng quê, nâng cao chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn Hải Dương. Điều dễ nhận thấy nhất trong việc xã hội hóa cung cấp nước sạch là việc người dân được hưởng lợi, qua đó giúp nâng cao chất lượng sống. Anh Hoàng Văn Lực, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà chia sẻ: “Hiện nay gia đình tôi có năm người, trước đây nguồn nước dùng trong sinh hoạt hằng ngày chủ yếu sử dụng nước mưa và giếng khoan. Nhưng từ năm 2015, gia đình tôi đã có nước sạch sử dụng, không còn phải dùng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh như trước đây”.

Nhằm bảo đảm 100% dân số khu vực nông thôn trên địa bàn được tiếp cận nguồn nước sạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp cung cấp nước sạch, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo, cải tiến công nghệ, tăng cường kiểm tra vận hành theo đúng quy trình để cung cấp nguồn nước sạch đảm bảo chất lượng, ổn định; tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng nguồn nước cung cấp tại các nhà máy cấp nước sạch tập trung nông thôn; thực hiện quy trình lấy mẫu ít nhất 01 lần/tháng/công trình và tăng cường lấy mẫu đột xuất; kết quả xét nghiệm chất lượng nước được công khai tại các nhà máy cấp nước, trụ sở UBND các xã, đăng tải lên trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Nếu chất lượng nước không đạt sẽ được gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, thu hút sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nước sạch để hoàn thành mục tiêu đưa nước sạch về khu vực nông thôn.

 

message zalo