Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn

Ngày đăng: 03/10/2019

Nhà máy cấp nước tập trung ở xã Yên Lộc (huyện Kim Sơn) được xây dựng với nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng và đưa vào sử dụng gần 3 năm nay cho thấy hiệu quả tích cực đối với mỗi người dân trên địa bàn xã. Bà Đinh Thị Thúy, xóm 6, xã Yên Lộc chia sẻ, nghĩ đến tình trạng thiếu nước những mùa nắng nóng trước đây mà sợ hãi. Giờ thì gia đình yên tâm, phấn khởi khi được sử dụng nguồn nước sạch của Nhà máy nước trên địa bàn xã. Có nguồn nước đảm bảo vệ sinh và ổn định, gia đình bà cũng tiết kiệm tiền mua sắm đầy đủ những trang thiết bị hiện đại phục vụ cuộc sống, như máy giặt, máy làm đá, xây dựng công trình vệ sinh khép kín, trang bị hệ thống tưới phun làm mát... Đặc biệt, từ khi có nguồn nước đảm bảo vệ sinh, hầu hết người dân không còn mắc các bệnh đau mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa, các bệnh về da... Người dân yên tâm vì sức khỏe được chăm sóc và công tác vệ sinh môi trường cũng được đảm bảo. Được biết, hiện nay xã Yên Lộc có trên 90% số dân trong xã được dùng nước đảm bảo vệ sinh, hoàn thành tiêu chí nước sạch xã đạt chuẩn NTM.

Gia đình ông Bùi Đức Huân, xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) rất phấn khởi khi đã có nước máy để sử dụng. Thay vì phải dùng nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh như trước đây, nhất là khi nguồn nước giếng khoan tại đây thường có cặn do đá vôi gây ra, khi đun nấu thường bị lắng cặn trắng. “Đối với mỗi người dân vùng đồi núi như chúng tôi, có nguồn nước vệ sinh để sử dụng là yên tâm nhất. Từ bây giờ vào mùa hè, mùa khô hanh không lo thiếu nước phục vụ sinh hoạt nữa...” – ông Huân phấn khởi cho biết. Theo ông Vũ Công Minh, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp), đến nay, trên địa bàn xã Quang Sơn, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước đảm bảo vệ sinh (nước máy) đạt gần 100%, góp phần nâng cao tiêu chí môi trường nông thôn trong quá trình địa phương đang thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới, các dự án của các tổ chức phi chính phủ và sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiều công trình phục vụ cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn triển khai thực hiện. Cùng với đó, chính quyền các cấp và các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước đảm bảo vệ sinh, bỏ thói quen dùng nước ao, hồ, sông, suối và giếng khoan, chuyển sang dùng nước máy trong sinh hoạt. Qua đó, mỗi người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phối hợp tham gia các chương trình, dự án về nước sạch, đóng góp nguồn kinh phí đối ứng xây dựng các công trình tập trung và xây dựng các công trình cấp nước sạch nhỏ lẻ; đồng thời có trách nhiệm bảo vệ các công trình, đường ống nước, có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Hiện nay, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 94%; tỷ lệ được sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung đạt 60%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm trên 74%; tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm 85%; tỷ lệ trạm y tế xã có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm 94,9%; tỷ lệ hiện trạng hoạt động của các công trình cấp nước tập trung: bền vững chiếm trên 23%, bình thường chiếm trên 54%, kém hiệu quả gần 14% và không hoạt động là 8,79%. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 84 công trình cấp nước sạch tập trung có công suất từ 40 m3 ngày/đêm - 1.800m3/ngày đêm tại 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Trong đó, có 3 công trình khai thác nước ngầm tại các xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp), xã Đồng Phong (Nho Quan) và xã Yên Thắng (Yên Mô) do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (thuộc Sở NN&PTNT) trực tiếp quản lý; còn lại là khai thác nước mặt do UBND xã và các Công ty nước sạch trên địa bàn quản lý.

Theo Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến năm 2020 có trên 98% hộ nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó trên 65% sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Nhằm đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động hiệu quả các công trình nước sạch, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa lĩnh vực kinh doanh nước sạch nông thôn đều được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, ưu đãi trong huy động vốn, được hỗ trợ vốn theo quy định của Nhà nước, từ đó thu hút được nhiều doanh nghiệp tiếp nhận sửa chữa và vận hành các công trình nước sạch.

Để tiếp tục nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước từ các công trình cấp nước sạch tập trung, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức, sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối với các công trình cấp nước sạch nông thôn đang vận hành khai thác, các công ty cung cấp nước sạch cần đảm bảo việc xử lý, cung cấp nước sạch cho nhân dân đạt tiêu chuẩn theo quy định; công khai các thông tin liên quan đến chất lượng nước sạch; tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân được đấu nối với hệ thống cung cấp nước sạch... Đối với các dự án cung cấp nước sạch đang thi công xây dựng và các dự án đang hoàn thiện thủ tục, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa nước sạch đạt tiêu chuẩn vào phục vụ nhân dân. Các chủ đầu tư cũng phải đưa công nghệ hiện đại vào xử lý nước sạch, đảm bảo nguồn nước thô phải được lấy từ các sông, hồ lớn nhằm cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn theo quy định, tạo sự tin tưởng, khuyến khích người dân nông thôn sử dụng nước sạch.

message zalo