Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Nỗ lực đưa nước sạch đến người dân vùng nông thôn

Ngày đăng: 09/04/2019

Trước đây, người dân xã Thái Hòa và thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch chủ yếu sử dụng nguồn nước giếng khoan, giếng khơi, chất lượng nước không được đảm bảo do tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi, nhất là tại các khu vực dọc sông Phó Đáy. Từ chương trình PforR, với tổng vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng, năm 2015, Nhà máy cấp nước sạch liên xã Thái Hòa - Hoa Sơn chính thức vận hành với công suất thiết kế 2.500m3/ngày đêm, giúp người dân nơi đây không còn canh cánh nỗi lo về chất lượng nước sinh hoạt. Đến nay, đã có trên 85% hộ dân trong vùng dự án đăng ký sử dụng nước sạch từ nhà máy, nhiều khu dân cư đạt tỷ lệ 100% số hộ gia đình sử dụng nước sạch.

Với tổng mức đầu tư trên 230 tỷ đồng, năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung qui mô liên 12 xã: Việt Xuân, Bồ Sao, Lũng Hòa, Nghĩa Hưng, Cao Đại, Đại Đồng, Phú Thịnh, Thượng Trưng, Tuân Chính, Yên Lập, Tân Tiến, Lý Nhân của huyện Vĩnh Tường với công suất thiết kế 8.000 m3/ngày đêm, cấp nước sinh hoạt cho 15.600 hộ dân.

Ngoài 2 công trình kể trên, với tổng vốn đầu tư trên 418 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 10%, khoảng 41,8 tỷ đồng, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung theo chương trình PforR tại Tứ Trưng - Ngũ Kiên, công suất thiết kế 2.530 m3/ngày đêm; Hồng Phương - Liên Châu, công suất thiết kế 2.000 m3/ngày đêm; Đại Tự - Phú Đa, công suất thiết kế 2.400 m3/ngày đêm. Đến tháng 3/2019, Vĩnh Phúc có 37.951/37.760 hộ đấu nối sử dụng nước các công trình cấp nước sạch nông thôn, đạt 100,5% kế hoạch được giao. Các công trình khi đi vào hoạt động đã giúp người dân tại 21 xã, thị trấn thuộc 3 huyện: Yên Lạc, Vĩnh Tường và Lập Thạch được tiếp cận và sử dụng nước sạch. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai thu 10% kinh phí đóng góp của người dân sử dụng nước thuộc chương trình còn nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thanh, quyết toán một số gói thầu. Mặc dù Trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức chiến dịch truyền thông, tuyên truyền cho trên 20.000 lượt người dân và tại các địa phương triển khai dự án đều thành lập ban thu kinh phí song đến hết tháng 1/2019, mới có 7/21 xã, thị trấn thu được kinh phí nộp về Kho bạc Nhà nước tỉnh với số tiền trên 1 tỷ đồng, đạt 2,7% tổng kinh phí người dân sử dụng nước phải đóng ra. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân đang so sánh với một số dự án cấp nước nông thôn, điện lực, viễn thông đã được đầu tư nhưng không phải đóng góp, còn tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước; một số khác cho rằng nguồn nước đang dùng vẫn có thể sử dụng nên không đồng ý đóng góp khoản kinh phí từ 1,3 – 2 triệu đồng…

Ông Đỗ Huy Sự, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo BTV Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh cho chủ trương xây dựng Nghị quyết cá biệt hỗ trợ 100% kinh phí đóng góp của người dân sử dụng nước sạch thuộc chương trình PforR. Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ theo quyết toán gần 39,7 tỷ đồng.

Mới đây, trong cuộc họp BTV Tỉnh ủy đầu tháng 4/2019, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã đồng ý về mặt chủ trương xây dựng Nghị quyết hỗ trợ 100% kinh phí đóng góp của người dân sử dụng nước thuộc chương trình PforR. Đồng thời, giao UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn tất thủ tục trình HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp tới; sớm trả lại tiền cho người dân một số địa phương đã đóng góp kinh phí thực hiện các hạng mục xây dựng để đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung.

Đây chắc chắn là tin vui không chỉ đối với những người dân vùng được thụ hưởng mà còn cho cả chính quyền địa phương và nhà thầu, các đơn vị thi công. Bởi cùng với hiện thực hóa ước mơ được sử dụng nước sạch của người dân nông thôn, Nghị quyết được thông qua còn góp phần quan trọng giải quyết bài toán nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài đối với gói thầu chưa thể thanh quyết toán do vướng mắc phần kinh phí người dân đóng góp.
 

 

message zalo