Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Nước ngầm, tài nguyên hữu hạn

Ngày đăng: 09/12/2021

 

Cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân

Thời gian qua, công tác cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, đầu tư phát triển hệ thống cung cấp nước bằng nhiều nguồn lực. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có tổng số hơn 280 công trình cấp nước tập trung, với tổng công suất khai thác thiết kế khoảng 144.000 m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, còn có hơn 137.000 giếng khoan nhỏ lẻ hộ gia đình, tổng lưu lượng khai thác khoảng 275.180 m3/ngày đêm.

Ðối với các công trình cấp nước tập trung, Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau trực tiếp quản lý 46 công trình, với tổng công suất khai thác thiết kế là 89.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước cho 76.051 hộ dân. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn trực tiếp quản lý, vận hành 18 công trình, với tổng công suất khai thác 14.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước cho khoảng 16.000 hộ dân.

Ngoài ra, UBND các xã quản lý, vận hành 220 công trình, với tổng công suất khai thác thiết kế 41.000 m3/ngày đêm; cung cấp nước cho khoảng 22.000 hộ dân; 2 công trình cấp nước theo phương thức xã hội hoá với tổng công suất khai thác thiết kế 240 m3/ngày đêm.

Ông Lê Công Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, cho biết, với những nỗ lực, quyết tâm chỉ đạo thực hiện của các ngành, các cấp, đến nay nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Ðến thời điểm này, đã có hơn 95% hộ dân trên địa bàn tỉnh được cung cấp nước sạch sinh hoạt. Bên cạnh đó, bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch được nâng lên đáng kể. Người dân đã tự chủ hơn trong việc tích trữ và tạo nguồn nước hợp vệ sinh cho sinh hoạt hàng ngày.

 
 

Cần chiến lược bền vững

Theo thông tin từ HÐND tỉnh Cà Mau, qua kết quả giám sát hàng năm cho thấy, vấn đề sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh, trong đó có khu vực nông thôn, mặc dù đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn một số hạn chế nhất định. Ðáng quan tâm là việc đầu tư các công trình cấp nước nông thôn còn dàn trải, tạm thời, quy mô đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư thấp, chưa đảm bảo tính bền vững lâu dài. Ðơn cử như, công trình cấp nước tập trung nông thôn hầu hết không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không đảm bảo phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước theo quy định. Số lượng công trình có giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm rất ít. Các công trình chưa thực hiện công tác quan trắc, giám sát tài nguyên nước theo quy định...

Công trình hoạt động thật sự hiệu quả ít, phần lớn là hoạt động trung bình và kém hiệu quả, ngưng hoạt động, xuống cấp trầm trọng, chờ thanh lý, tháo dỡ.

Cùng với đó là mô hình, cơ chế quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung nông thôn chưa phù hợp. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước chưa chặt chẽ, chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật nước sạch sinh hoạt của tỉnh. Các công trình cấp nước của Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tuy có thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng còn hình thức, không đảm bảo các chỉ tiêu theo yêu cầu.

Hệ thống công trình cấp nước tập trung của tỉnh với tổng công suất thiết kế khai thác là 144.000 m3/ngày đêm, có khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho 1,1 triệu người, nhưng chưa phát huy hết công suất khai thác. Cuối năm 2020, vùng đô thị phân phối nước sạch sinh hoạt đạt 95% dân số, vùng nông thôn chỉ đạt 18% dân số sử dụng hệ thống cấp nước tập trung, 74% dân cư nông thôn sử dụng nước từ giếng khoan gia đình.

Ông Lê Công Nguyên cho biết, tỷ lệ thất thoát nước của các công trình do trung tâm quản lý là vấn đề phải nhìn nhận. Hệ thống cấp nước nông thôn giao cho địa phương quản lý, vận hành tỷ lệ có đồng hồ tổng không cao nên khó xác định được tỷ lệ nước thất thoát sau khai thác. Bên cạnh đó, mặc dù địa phương đã xây dựng các công trình cấp nước tập trung, tuy nhiên tình trạng sử dụng giếng khoan nhỏ lẻ trong dân còn nhiều, quản lý chưa chặt chẽ.

Thời gian tới, tỉnh cần có kế hoạch rà roát, kiểm tra lại các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn. Trong đó, các công trình cấp nước có công suất khai thác nhỏ, hoạt động không có hiệu quả, đang xuống cấp, hư hỏng, không phù hợp với quy hoạch, đất đai không thuộc sở hữu của Nhà nước thì nên thanh lý, bàn giao tài sản cho người đang quản lý, sử dụng tiếp tục hoạt động theo phương thức tự quản để phục vụ trong khu vực như cách làm hiện nay. Công trình cấp nước có công suất lớn, phù hợp với quy hoạch của tỉnh tiếp tục bổ sung các điều kiện cần thiết, như đất đai, giấy phép khai thác nước, đăng ký chất lượng nước khai thác để đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định. Ðầu tư ưu tiên công trình liên huyện, liên xã có tính chất bao phủ rộng, đảm bảo công tác vận hành hiệu quả.

Ông Lê Công Nguyên thông tin: "Bộ NN&PTNT mới đây đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án công trình trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn".

Theo đó, dự án này có vốn đầu tư lên đến 1.100 tỷ đồng, tập trung xây dựng khoảng 80 công trình giúp cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại 7 tỉnh thuộc ÐBSCL, trong đó có Cà Mau. Cà Mau đã đăng ký một số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 13.000 hộ dân tại các huyện: Cái Nước, Ðầm Dơi, Thới Bình và Trần Văn Thời.

"Hiện tại, địa phương chỉ có nguồn nước dưới đất để cung cấp sinh hoạt cho người dân, chưa có nguồn nước để thay thế. Nguồn tài nguyên này là hữu hạn, khai thác đến một lúc nào đó cũng sẽ cạn kiệt. Do đó, cần chủ động nghiên cứu nguồn tài nguyên nước khác để thay thế. Cũng cần tính đến phương án dẫn nước mặt từ nơi khác về địa phương, nhưng đây là vấn đề lâu dài cần hoạch định ra một chiến lược thực hiện hiệu quả nhất", ông Lê Công Nguyên chia sẻ thêm.

 

message zalo