Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Nước sạch nông thôn ở Đồng Nai: Công suất chỉ đạt 48% thiết kế, còn người dân vẫn thiếu nước sạch

Ngày đăng: 19/05/2023

 

Công suất cấp nước sạch nông thôn chỉ đạt 48%

Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn gần 83%. 

Hiện có 63 công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 67.000 m3/ngày đêm, tuy nhiên trên thực tế, công suất hoạt động chỉ đạt 48% so với thiết kế. 

Nguyên nhân là do vẫn còn nhiều hộ dân chưa thể đấu nối nước sạch do đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giá thành đấu nối vào các khu vực xa, đường hẻm… còn khá cao. Ngoài ra một số hộ dân vẫn sử dụng song song cùng lúc nước máy và nước giếng nên tỷ lệ sử dụng nước máy vẫn còn thấp.

Trước tình hình này, nhằm tăng tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch, Đồng Nai đang tiếp tục đầu tư xây dựng mới 20 công trình cấp nước nông thôn; đồng thời cải tạo, nâng cấp, thay thế thiết bị xử lý nước cho các công trình hiện hữu, hỗ trợ lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình. Ngoài ra còn mở rộng việc đấu nối nước sạch từ các đường ống cấp nước của đô thị về vùng nông thôn để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Trong khi đó, Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết trên địa bàn Đồng Nai có 9 doanh nghiệp cấp nước đã qua xử lý phục vụ mục đích sinh hoạt và sản xuất. 

Trong đó, lớn nhất là Công ty CP Cấp nước Đồng Nai quản lý, vận hành và cấp khoảng 85% nước sạch sinh hoạt và sản xuất cho toàn tỉnh. 

Ngoài ra còn có 4 doanh nghiệp chủ yếu cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp gồm: Công ty CP Cấp nước hồ Cầu Mới, Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa, Công ty TNHH Việt Thăng Long và Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và khu công nghiệp IDICO.

Tìm cách gỡ khó khăn để người dân nông thôn tiếp cận nước sạch

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, những năm qua, địa phương đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng cho 86 công trình nước sạch nông thôn. Nhờ đó, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt mục tiêu Nghị quyết, nhưng hiệu quả vận hành hệ thống nước sạch vẫn chưa cao. 

Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra đề án cấp nước với mục tiêu tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch khu vực đô thị lên 90% vào năm 2025 và khu vực nông thôn lên 85% vào năm 2025.

Để đạt mục tiêu này, Đồng Nai đang cố gắng nâng công suất các nhà máy xây dựng mới và cải tạo, mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước và xây dựng mới các nhà máy nước. 

Được biết, khoảng 30 năm qua tỉnh Đồng Nai đã dành nhiều nguồn lực từ ngân sách cũng như thu hút đầu tư để xây dựng các nhà máy cấp nước tập trung và nhiều loại khác, tuy nhiên tỷ lệ cấp nước vẫn chưa đạt như mong đợi. 

Trên thực tế do vướng nhiều quy định nên giá nước ở vùng nông thôn cao hơn đô thị đến 1,5 lần. Nguyên nhân chính là bởi tuyến ống dài nên giá thành bị phát sinh "đội" lên cao. Điều đó cũng phần nào dẫn đến việc nhiều người dân mong có nước sạch nhưng chưa thể đấu nối, trái lại có nhiều người lại vì giá thành, vướng giấy tờ cũng không thể có nước sạch sử dụng.

Về vấn đề nước sạch, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai nỗ lực có giải pháp tăng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch, giảm khai thác nước ngầm. Ông Lĩnh còn yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải xét nghiệm cảnh báo cho người dân nếu nguồn nước người dân đang sử dụng không đảm bảo chất lượng. 

 “Phải có giải pháp đưa nước sạch đến những ốc đảo mà hệ thống cấp nước không hoặc chưa đến được, nhằm đẩy tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tăng lên. Bởi tỷ lệ người dân dùng nước sạch không chỉ nằm ở nghị quyết mà còn là vấn đề đạo đức của lãnh đạo địa phương. Do đó các huyện phải rà lại quy hoạch chiến lược nước, bảo vệ nguồn nước để người dân được dùng nước sạch", ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh. 

"Đối với những địa phương có tỷ lệ dùng nước máy thấp phải có kế hoạch tăng nước máy cho người dân, giải quyết các khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp cấp nước. Phải làm sao đến năm 2025, tỷ lệ người dân thành thị dùng nước sạch đạt 90% còn nông thôn đạt 85%. Nếu tỷ lệ thấp hơn thì trách nhiệm thuộc cấp uỷ của địa phương đó” - ông Lĩnh khẳng định. 

Mặc dù lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng như các địa phương đã và đang quan tâm đến vấn đề sử dụng nước sạch của người dân, nhưng trên thực tế thủ tục và việc tiếp cận nước sạch đối với nhiều người dân vẫn còn gặp khó khăn. 

Tại các buổi tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh Đồng Nai mới đây về chuyên đề nước sạch, nhiều người dân thắc mắc về cơ chế chính sách, vấn đề đấu nối, chất lượng nguồn nước, giá nước, tiến độ triển khai các dự án, công tác quản lý, duy tu sửa chữa các công trình cấp nước tập trung nông thôn. 

Người dân cũng mong muốn các đơn vị chức năng công khai thông tin đánh giá chất lượng nguồn nước giếng khoan, giếng đào từng khu vực để họ nắm bắt nhằm hạn chế khai thác, sử dụng nguồn nước này tránh ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Mặc dù lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng như các địa phương đã và đang quan tâm đến vấn đề sử dụng nước sạch của người dân, nhưng trên thực tế thủ tục và việc tiếp cận nước sạch đối với nhiều người dân vẫn còn gặp khó khăn. 

Tại các buổi tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh Đồng Nai mới đây về chuyên đề nước sạch, nhiều người dân thắc mắc về cơ chế chính sách, vấn đề đấu nối, chất lượng nguồn nước, giá nước, tiến độ triển khai các dự án, công tác quản lý, duy tu sửa chữa các công trình cấp nước tập trung nông thôn. 

Người dân cũng mong muốn các đơn vị chức năng công khai thông tin đánh giá chất lượng nguồn nước giếng khoan, giếng đào từng khu vực để họ nắm bắt nhằm hạn chế khai thác, sử dụng nguồn nước này tránh ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

 

message zalo