Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Nước sạch về làng

Ngày đăng: 03/10/2024

Kỳ II: Tiếp tục đưa nước sạch về mọi miền quê

Mặc dù được quan tâm, song đến nay, tiến độ triển khai nhiều công trình, dự án cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh vẫn chậm, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt thấp. Điều này làm ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân và Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) khó có thể “cán đích” theo lộ trình. Thực tế đó đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành chức năng quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ, nhất là trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.

Tiến độ xây dựng chậm, tỷ lệ sử dụng thấp vì đâu?

Tại huyện Lập Thạch, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân khá lớn, song hiện nay, trên địa bàn chỉ có 9/20 xã, thị trấn được sử dụng nước sạch tập trung và tỷ lệ hộ dân sử dụng mới chỉ đạt 13,7%.

Điều đáng nói, tại một số địa phương đã có công trình cấp nước sạch tập trung như xã Vân Trục, hệ thống cấp nước đã xuống cấp, hiệu quả thấp.

Lý giải thực trạng này, ông Nguyễn Huy Lập, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lập Thạch cho biết, địa phương có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi; nhận thức của một số người dân về sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường còn hạn chế, nhiều hộ dân duy trì thói quen sử dụng nước tự khai thác từ các giếng khơi, giếng khoan.

Hiện, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc chưa xây dựng được trạm bơm tăng áp do cơ quan chức năng chưa hoàn thành thủ tục giao đất, dẫn đến không đấu nối cấp nước được cho nhiều khách hàng; mặt khác, việc thi công lắp đặt đường ống nước khó khăn do có nhiều thôn đường ngõ nhỏ hẹp, mật độ đường ống nước thải dày đặc.

Tại huyện Sông Lô, qua rà soát, nhu cầu sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung của các hộ dân khu vực nông thôn khoảng 17.000 hộ, nhưng trên thực tế, đến nay, cả huyện mới có hơn 5.000 hộ dân được sử dụng nước sạch từ các công trình này.

Ngoài nguyên nhân do thói quen cố hữu của người dân chỉ sử dụng nước từ các nhà máy khi nước giếng cạn; một số công trình cấp nước khu vực nông thôn có công nghệ lạc hậu; còn là do công tác quản lý, vận hành kém hiệu quả, dẫn đến hoạt động cấp nước kém bền vững hoặc không hoạt động.

Với mục tiêu không để người dân thiếu nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, thực hiện việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp nước đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã phân vùng cấp nước cho 100% các xã, phường, thị trấn cho từng nhà máy.

Nhà máy cấp nước sinh hoạt tập trung liên 12 xã Vĩnh Tường được đưa vào vận hành, đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ người dân. Ảnh: Chu Kiều

Nhà máy cấp nước sinh hoạt tập trung liên 12 xã Vĩnh Tường được đưa vào vận hành, đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ người dân. Ảnh: Chu Kiều
Đến tháng 8/2024, toàn tỉnh có 31 nhà máy cấp nước sạch tập trung được đầu tư với tổng công suất gần 350.000 m3/ngày đêm; trong đó, có 29 nhà máy đang hoạt động, công suất thiết kế hơn 187.500 m3/ngày đêm; đồng thời có 62 xã đã có đường ống từ hệ thống cấp nước sạch tập trung, đạt tỷ lệ 60,7%.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án cấp nước tập trung đang gặp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề về tiến độ lựa chọn nhà đầu tư, phân bổ nguồn vốn, giải phóng mặt bằng; đặc biệt là tỷ lệ hộ dân có nhu cầu sử dụng nước sạch từ hệ thống nước sạch tập trung đạt thấp.

Hiện, 40 xã chưa được cấp nước sạch tập trung; tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước toàn tỉnh mới đạt 24,1%, thấp hơn nhiều so với mức yêu cầu đến năm 2025 phải đạt tối thiểu 65%.

Thực tế, mức đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung rất lớn; thêm vào đó, do nhận thức chưa đầy đủ, tại một số địa phương đã được lắp đặt đường ống, đồng hồ đến từng hộ dân nhưng người dân không sử dụng, tỷ lệ đấu nối thấp dẫn đến nhiều nhà máy nước còn dư công suất hoạt động... khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư bởi hiệu quả kinh tế đem lại thấp.

Thậm chí tại nhiều địa phương, nguồn thu từ nước sạch không đủ bù chi phí vận hành, vệ sinh đường ống định kỳ như tại 3 xã Nghĩa Hưng, Tân Tiến và Đại Đồng - các địa phương được cấp nước từ Công trình cấp nước sạch liên 12 xã huyện Vĩnh Tường được Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đấu nối đường ống dẫn nước, lắp đặt miễn phí đồng hồ đến tận cổng, đi vào vận hành từ năm 2019.

Khi sử dụng nước sạch được hỗ trợ giá theo chính sách của tỉnh, song tỷ lệ số hộ đăng ký đấu nối sử dụng rất thấp, thậm chí có những nơi bỏ không hàng nghìn đồng hồ khiến nhà máy cấp nước chưa phát huy hết công suất.

“Nơi cần không có - nơi có không cần” - nghịch lý này đã và đang gây lãng phí vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Theo số liệu thống kế của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung trung bình tại các huyện chỉ đạt 19, 78%, trong đó cao nhất là huyện Vĩnh Tường đạt 37, 63%, thấp nhất là huyện Bình Xuyên với 6,17%

Trong buổi làm việc với các đơn vị liên quan về việc đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung giữa tháng 7 vừa qua do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn chủ trì, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện tỷ lệ hộ gia đình ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch thấp là một trong những trở ngại lớn để các địa phương đang xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu hoàn thành tiêu chí số 18 về “Chất lượng môi trường sống”.

Tìm lời giải cho bài toán khó

Xác định việc cấp nước sinh hoạt tập trung cho đô thị cũng như khu vực nông thôn là nhiệm vụ chính trị và an sinh xã hội quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, hiện thực hóa chủ trương “Mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành, chính quyền địa phương và các chủ đầu tư để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tập trung.

Theo đó, giải pháp căn cơ nhất vẫn là tăng cường truyền thông để nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.

Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến thực hiện chính sách hỗ trợ giá nước theo Nghị quyết 19; vận động nhân dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn, bảo vệ công trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, hướng dẫn sử dụng nước an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch, nhất là việc bố trí kinh phí cho các công trình cấp nước sạch tập trung sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt để sớm khởi công các dự án.

Yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện song song các thủ tục, vừa triển khai xây dựng nhà máy, vừa thi công đường ống dẫn nước để rút ngắn thời gian đảm bảo cấp nước cho các địa phương.

Các chủ đầu tư, doanh nghiệp tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống cấp nước sạch cho người dân. Qua đó đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, xây dựng nên những miền quê trù phú, ấm no, đáng sống.

Thành An - Hồng Nhật

message zalo