Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Phú Thọ: Hiệu quả triển khai chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn

Ngày đăng: 08/12/2021

 

Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” có 3 hợp phần, gồm: Cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá chương trình được tổ chức thực hiện tại các địa phương, trải rộng trên địa bàn các xã, đến tận thôn bản và mỗi hộ gia đình. Để chương trình triển khai hiệu quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp cùng trung tâm y tế các huyện, trạm y tế các xã hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà tiêu, tiến hành nghiệm thu nhà tiêu tại các hộ gia đình trong diện được hỗ trợ; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tiến độ, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh gia đình; hỗ trợ hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; hướng dẫn tuyến huyện, xã lập hồ sơ minh chứng, kiểm đếm; hướng dẫn cán bộ xã và trạm y tế làm biên bản họp triển khai chương trình; lập kế hoạch hoạt động và hoàn thành bảng, biểu chuẩn bị công tác kiểm đếm; hướng dẫn các thôn, bản làm biên bản họp thôn.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức 02 lớp tập huấn về truyền thông thay đổi hành vi và phát triển thị trường vệ sinh; phối hợp tổ chức 28 Hội nghị triển khai chương trình vệ sinh nông thôn cấp xã tại 28 xã tham gia dự án; cấp 22 đĩa CD cho 08 xã tham gia chương trình; 4.500 tờ rơi hướng dẫn xây dựng 4 loại nhà tiêu hợp vệ sinh cho các xã tham gia dự án; chỉ đạo các địa phương tích cực đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; tuyên truyền về xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là loa phát thanh xã hay đến từng hộ gia đình. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức kiểm tra, giám sát công trình công cộng, lấy mẫu nước xét nghiệm tại 28 trạm y tế và 87 trường học tại các xã tham gia dự án. Kết quả, trong 28 xã tham gia dự án, 100% các công trình vệ sinh và cấp nước trên đều đạt các tiêu chí theo quy định; 100% trạm y tế xã có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, 70% hộ dân tại các xã có nhà tiêu hợp vệ sinh, 80% hộ dân có điểm rửa tay xà phòng, 8 xã của 2 huyện Thanh Sơn và Tân Sơn đạt vệ sinh toàn xã.

 BSCKI. Bùi Văn Học – Phó Trưởng khoa Sức khỏe môi trường- Y tế trường học- Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Chương trình đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh. Từ khởi điểm với khoảng 45% hộ gia đình có nhà tiêu, nơi rửa tay hợp vệ sinh, đến nay tỷ lệ này ở các xã nâng lên 70% số hộ có nhà tiêu đạt chuẩn, 80% hộ dân có điểm rửa tay bằng xà phòng. Nhờ vậy, bệnh tật trong cộng đồng giảm, nhất là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh như: Tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán, các bệnh ngoài da...

Ở các xã vùng sâu, vùng xa, việc triển khai chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh, sử dụng nguồn nước bảo đảm trong sinh hoạt. Từ đó, góp phần phòng, chống các dịch bệnh thường gặp, sức khỏe người dân được nâng lên. Xã Tân Sơn (huyện Tân Sơn) là 1 trong 8 xã điển hình nằm trong lộ trình hoàn thiện vệ sinh toàn xã vào cuối năm 2021. Là xã còn khó khăn của huyện, tuy nhiên với nỗ lực của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là tinh thần hợp tác, ý thức tự giác của người dân, từ 49% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 55% hộ gia đình có điểm rửa tay xà phòng năm 2020, đến nay đã đạt 70% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, 80% hộ gia đình có điểm rửa tay xà phòng trên tổng 949 hộ dân. Hay như xã Khả Cửu (huyện Thanh Sơn) cũng là 1 xã điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn với 1.111 hộ dân, năm 2020 chỉ 47% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, đến cuối năm 2021 đã tăng lên 70% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh. Để làm được điều này, ngoài việc tranh thủ nguồn tài trợ từ Chương trình, xã còn chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đổi mới tập quán sản xuất, nếp sinh hoạt, hướng dẫn người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh phù hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình. Đến nay, nhiều hộ gia đình đã chủ động trong việc thực hiện xây dựng các công trình vệ sinh và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại khu vực sinh sống.

Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn đã tác động mạnh mẽ và phát huy hiệu quả tích cực giúp người dân nông thôn, vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh. Ở những nơi đã được đầu tư xây dựng công trình phụ trợ, điều kiện sinh hoat của cộng đồng đã được cải thiện rõ rệt; ý thức vệ sinh môi trường của các tầng lớp nhân dân có sự chuyển biến rõ rệt góp phần nâng cao nếp sống văn hoá, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư; xoá bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số./.

 

message zalo