Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Quảng Bình: Nâng cao chất lượng nước sạch nông thôn

Ngày đăng: 12/06/2022

 

Theo kết quả đánh giá của Bộ chỉ số theo dõi-đánh giá nước sạch nông thôn năm 2021, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh trên toàn tỉnh chiếm 96,76%, tăng 2,09% so với năm 2020; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam (QCVN) là 53,78%, tăng 3,58% so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh là 83,34%, tăng 2,22% so với năm 2020…

Để có được kết quả đó, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực quản lý vận hành, cải tạo sửa chữa công trình kém bền vững, không hoạt động, trong đó điều chuyển một số công trình từ các xã sang Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS và VSMTNT) quản lý theo đề án nâng cao hiệu quả khai thác, vận hành và sử dụng bền vững các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; ưu tiên nguồn vốn đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước tập trung hoạt động kém bền vững.

Là đơn vị hiện đang quản lý vận hành 14 công trình cấp nước nông thôn tập trung, trong đó có 11 công trình tiếp nhận từ các xã, Trung tâm NS và VSMTNT đã thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng phạm vi cấp nước, nâng cao chất lượng nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn 15 xã, thị trấn thuộc các huyện: Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch và Lệ Thủy.

 

Các công trình tiếp nhận từ các địa phương hầu hết đều không bền vững, hiệu quả thấp do công suất nhỏ, phạm vi phục vụ hẹp, đã vận hành nhiều năm, không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên cộng với ảnh hưởng của thiên tai nên bị hư hỏng, xuống cấp, chất lượng nước sau xử lý chưa đạt QCVN. 

 

Để khôi phục hoạt động, khai thác hiệu quả của các công trình nêu trên, từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước giao, giai đoạn 2019-2021, Trung tâm NS và VSMTNT đã duy tu, bảo dưỡng 10 công trình, sửa chữa; nâng cấp 4 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do đơn vị quản lý. Đồng thời, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và nhân viên, các thay đổi quy trình vận hành; kết nối các công trình có quy mô nhỏ với các công trình hiện có. Chất lượng nước thô và nước sau xử lý được theo dõi, kiểm tra, giám sát định kỳ, đánh giá theo quy định.

Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nêu trên, các công trình do trung tâm quản lý đã phát huy hiệu quả cao, hoạt động bền vững. Đơn cử như tại xã Mai Thủy (Lệ Thủy). Địa phương có hai công trình nước sạch là trạm Thái Xá và trạm Châu Xá được xây dựng từ năm 2011, công suất thiết kế 204m3/ngày nên nhiều chỗ nước không đến được, phải sử dụng nước mưa, nước giếng, nước sông, không bảo đảm chất lượng.

Năm 2020, Trung tâm NS và VSMTNT đã tiếp nhận quản lý, đầu tư hoàn thiện khu vực nhà máy, công trình lấy nước đầu nguồn, thay thế hệ thống bơm, hệ thống xử lý phèn, châm clo tự động, đầu tư thêm 6km đường ống đến các hộ dân… Đến nay, công trình đã tăng công suất lên 1.170m3/ngày, đáp ứng cho 990 hộ dân có nước sạch sử dụng thường xuyên.

Bà Nguyễn Thị Thỉnh, thôn Mai Thượng, xã Mai Thủy cho biết: “Trước đây, mặc dù nhà gần trạm cấp nước nhưng chỉ được cấp luân phiên nên không đủ dùng, nhiều hộ dân ở xa hơn gia đình tôi thì mất nước thường xuyên, có đường ống nhưng nước không đến được. Nay thì nước mạnh, chất lượng tốt, cấp liên tục, không phải lo dự trữ như trước đây nữa nên chúng tôi rất vui mừng.”

 

Ông Bùi Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm NS và VSMTNT cho hay: Lĩnh vực cấp nước sạch thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là nhận thức và nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN vẫn còn thấp; đặc biệt, hộ nghèo sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN chỉ đạt 19%; các công trình cấp nước nông thôn tập trung hoạt động hiệu quả, bền vững chỉ đạt 29%; công trình kém bền vững và công trình không hoạt động còn cao…

 

Thời gian tới, Trung tâm NS và VSMTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện, đổi mới phương thức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước để nâng cao hiệu quả hoạt động; lập báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước để xin cấp phép khai thác nước đối với các công trình tiếp nhận lại từ các địa phương có công trình hoạt động kém hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững các công trình cấp nước nông thôn tập trung, nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành, sự nỗ lực của các đơn vị cấp nước thì rất cần sự tham gia tích cực của người dân trong việc bảo vệ, đầu tư, sử dụng công trình cấp nước. Bên cạnh đó, phương án điều chuyển các công trình cấp nước nông thôn tập trung docác xã đang quản lý cho Trung tâm NS và VSMTNT quản lý vận hành cũng là phương án hiệu quả, cần được phát huy.  

 

Cùng với việc triển khai các hoạt động sử dụng vốn ngân sách nhà nước, từ năm 2019-2021, Trung tâm NS và VSMTNT đã tích cực phối hợp, vận động Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam tài trợ kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa 3 công trình cấp nước tại các xã Quảng Châu, Quảng Kim, Mỹ Thủy với trị giá 2,1 tỷ đồng. Trong năm 2022, công ty tiếp tục tài trợ 700 triệu đồng để đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước tại xã Hoa Thủy.

 

 

message zalo