Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Quảng Bình: Nâng cao hiệu quả thực hiện Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn

Ngày đăng: 10/03/2020

 

Cụ thể, năm 2019, toàn tỉnh đã thực hiện đạt các chỉ số gồm: Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92,43%; hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt nam 46,28%; hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh 81,11%; hộ nghèo sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt nam 15,81%; tỷ lệ công trình cấp nước tập trung hoạt động hiệu quả, bền vững đạt 23,93%, công trình tương đối bền vững 22,22%, công trình kém bền vững 28,21%, công trình không hoạt động 25,64%.

So với năm 2018, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 2,23%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam tăng 7,68%; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 5,51%. Nguyên nhân do người dân nông thôn đã có ý thức tương đối cao về công tác bảo vệ và sử dụng nước hợp vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày; bên cạnh đó việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình cấp nước tập trung nông thôn cũng góp phần đáng kể giúp người dân có nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng. Ngoài ra, việc có nhiều hộ dân sử dụng máy lọc nước RO để ăn uống hàng ngày cũng làm tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh.

Đối với các công trình cấp nước tập trung, hiện nay, phần lớn các công trình cấp nước tập trung nông thôn đang hoạt động chiếm 73,36%, trong đó tỷ lệ công trình hoạt động bền vững chỉ có 23,93%; tỷ lệ công trình hoạt động kém bền vững và ngừng hoạt động hơn 50%. Do những năm trước đây, việc đầu tư xây dựng công trình thiếu kinh nghiệm, việc khảo sát nhu cầu, khảo sát nguồn nước, thiết kế công trình, thi công công trình và sự đóng góp của người dân trong quá trình thực thi dự án chưa hợp lý, công tác quản lý công trình, duy tu bão dưỡng chưa được thực hiện đầy đủ, một số công trình xuống cấp, hư hỏng do mưa lũ chưa có kinh phí khắc phục kịp thời.

Để thực hiện Bộ chỉ số trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lập kế hoạch, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, công chức các xã, thị trấn nắm vững những phương pháp thu thập số liệu điều tra về nước sử dụng trong sinh hoạt, chăn nuôi tại các hộ gia đình và các cơ quan Nhà nước, các tiêu chí về nước hợp vệ sinh, nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa, đồng thời hướng dẫn một số biện pháp phòng ngừa các bệnh liên quan đến việc sử dụng nước. Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng đã trực tiếp phối hợp tốt với các đơn vị phụ trách cấp huyện trong việc tổ chức thu thập, cập nhật số liệu theo yêu cầu. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc tham gia cung cấp số liệu về kiểm định chất lượng nước theo Thông tư số 50/2012/TT-BYT; tổ chức kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo quy định để phục vụ công tác đánh giá, cập nhật thông tin Bộ chỉ số. Cùng với đó, các huyện, thành phố, thị xã cũng tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện, thu thập, cập nhật, đánh giá Bộ chỉ số trên địa bàn, nhất là thông tin về chất lượng nước và tình trạng hoạt động của các công trình cấp nước tập trung.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Bộ chỉ số từ cấp huyện đến cấp xã ở một số địa phương còn chậm. Có địa phương chỉ đạo chưa sâu sát, không phản hồi thông tin khi gặp khó khăn vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Đặc biệt chỉ số nước sạch đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được đánh giá đúng mức. Báo cáo một số huyện chưa đánh giá đầy đủ số lượng và tình hình công trình cấp nước tập trung trên địa bàn phải rà soát lại.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường tập huấn, thu thập, cập nhật, đánh giá kết quả thực hiện Bộ chỉ số trên địa bàn tỉnh kịp thời; bố trí kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện; yêu cầu các sở ngành, địa phương định kỳ báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, HĐND tỉnh kết quả cập nhật Bộ chỉ số theo quy định.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng nguồn kinh phí đầu tư hàng năm cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để tỉnh bố trí đủ kinh phí cho việc thực hiện Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn, đặc biệt là kinh phí cho việc thực hiện thẩm tra, thẩm định tiêu chí Nước sạch theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và tập huấn Bộ chỉ số cho các xã; tăng nguồn kinh phí đầu tư cho việc sửa chữa khôi phục các công trình cấp nước tập trung bị hư hỏng, xuống cấp, chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả; mở rộng mạng lưới cấp nước đối với các công trình có tiềm năng khai thác nguồn nước sạch; đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước nông thôn tập trung cho các cụm xã; hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị kiểm nghiệm chất lượng nước sinh hoạt nông thôn cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh nhằm giám sát chặt chẽ chất lượng nước sinh hoạt nông thôn.

 

message zalo