Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Thách thức ngày càng lớn cho hạ tầng cấp nước

Ngày đăng: 23/10/2024

Hạ tầng cấp nước đang đối mặt với áp lực lớn từ việc phát triển đô thị quá nhanh, quá “nóng”; sự gia tăng dân số đô thị đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc cung cấp nước sạch cho người dân. Đến 2030, nhu cầu nước ở Việt Nam dự báo tăng 32% đã đặt ra những thách thức ngày càng lớn hơn. Vậy, những thách thức này cần sớm được nhìn nhận ra sao; cần sự đầu tư và kịch bản nào để ứng phó với nguy cơ thiếu nước sạch do quá trình đô thị hóa?

Nhu cầu sử dụng nước tăng lên không ngừng cùng với sự phát triển, mở rộng đô thị đòi hỏi hệ thống cấp nước phải mở rộng quy mô và công suất

 

Từng trải qua những ngày chật vật đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhiều người dân Thủ đô vẫn chưa quên nỗi khổ phải tìm mọi cách để có nước và không muốn gặp lại cảnh này:

"Cuộc sống không có nước là thiếu thốn lắm, xách nước về thấy nước bẩn lại lo lắng cho sức khỏe, về để lắng, chắt lấy cái trong, mai bỏ cặn lại đi xách".

"Thật sự mà nói không gì khổ bằng mất nước, đi xách nước rồi bưng cả chậu quần áo đi giặt nhờ mới thấy cực khổ, vất vả lắm".

"Phải dự trữ nước trong căn hộ khiến người dân rất khó khăn trong sinh hoạt nên tôi rất lo lắng nếu tình trạng thiếu nước tiếp tục".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không chỉ Hà Nội mà một số đô thị khác như TP. HCM, Đà Nẵng… cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng khi nhu cầu sử dụng nước dân dụng và công nghiệp ngày càng cao.

PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Khoa Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, quá trình đô thị hóa đã làm cho dân số đô thị tăng nhanh, trong khí đó cơ sở hạ tầng đô thị mặc dù đã có những bước phát triển đột phá vẫn không đáp ứng đầy đủ và sức ép quá tải ngày càng lớn:

"Hạ tầng cơ sở ở các đô thị đang được mở rộng một cách nhanh chóng, hạ tầng cơ sở ở vùng cũ gặp phải nhiều vấn đề sau thời gian sử dụng quá dài; hạ tầng cơ sở ở vùng mới thì không theo kịp sự phát triển của đô thị hóa. Các đô thị đều gặp phải vấn đề độ chênh giữa quy hoạch và thực tế nên hệ thống được xây dựng theo quy hoạch không đáp ứng được nhu cầu thực tế, không đáp ứng được nhu cầu của cư dân hiện có".

Tốc độ đô thị hóa tăng cao còn gây ra tình trạng khai thác quá mức, thậm chí cạn kiệt các nguồn nước tại chỗ cũng như các vùng liền kề. Trong khi, kết cấu hạ tầng cấp nước đô thị còn nhiều hạn chế, yếu kém; hạ tầng kỹ thuật nhiều đô thị vừa quá tải vừa chậm được cải tạo nâng cấp dẫn đến tỷ lệ thất thoát nước đang khá cao.

TS. Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát Nước Việt Nam, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều áp lực và thách thức với hệ thống cấp nước: “Phát triển đô thị, cạn kiệt nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước gây ra những khó khăn về nguồn nước. Khi chúng ta đã khan hiếm và khó khăn thì không thể khai thác thoải mái được; nước ngầm cũng không nên khai thác. Theo tôi được biết đã có giải pháp về các công trình cấp nước quy mô vùng để tìm nguồn nước đảm bảo cho cả một khu vực, chứ không nhỏ lẻ được nữa”.

GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường nhấn mạnh, thách cấp lớn nhất với vấn đề cung cấp nước là ô nhiễm nguồn nước ngày càng phức tạp, khó kiểm soát:

“Đô thị phát triển không ngừng và cần đáp ứng đúng nhu cầu cấp nước nhưng để có đủ nước cấp phải giải quyết ô nhiễm nước tại nguồn. Đô thị càng phát triển, cuộc sống sinh hoạt ngày càng đa dạng thì số loại ô nhiễm mới sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và phải xử lý, loại bỏ những chất đó”.

 

Nhu cầu sử dụng nước tăng lên không ngừng cùng với sự phát triển, mở rộng đô thị đòi hỏi hệ thống cấp nước phải mở rộng quy mô và công suất, nhưng theo đánh giá KTS Phạm Hoàng Phương - Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng, hiện hệ thống hạ tầng nhiều khu vực chưa đủ tốt và không theo kịp nhu cầu:

“Vấn đề chính là do quy hoạch không đồng bộ và tính toán đủ với sự phát triển của dân cư và hạ tầng. Thách thức đó đòi hỏi sự đầu tư tài chính để mở rộng và hiện đại hóa; cần các công nghệ xử lý nước hiện đại, hệ thống quản lý và giám sát nước thông minh và cần tính toán đầu tư bền vững sự phát triển của đô thị tới 50 năm”.

Trước những thách thức với hạ tầng cấp nước trong những năm tới, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần đưa ra khung chính sách phù hợp để huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng lĩnh vực này:

“Đầu tiên là phải có chính sách, Luật Cấp thoát nước sắp tới phải có đủ khả năng bao trùm và chi phối các lĩnh vực để đảm bảo an ninh nguồn nước; trong quá trình sử dụng nước phải đảm bảo hiệu quả, có cơ chế kiểm soát. Đồng thời phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, đảm bảo mọi người tuân thủ các quy định thì mới có thể vượt qua được những thách thức mà ngành nước đang phải đối mặt”.

Các chuyên gia của Ngân hàng thế giới đã chỉ ra rằng, mối đe dọa liên quan đến nguồn nước có thể làm giảm 6% GDP của Việt Nam mỗi năm từ nay đến năm 2035. Do đó, Việt Nam cần có giải pháp cho những thách thức về nguồn nước như quá ít, quá bẩn, quá nhiều và vấn đề liên quan đến điều phối ngành nước cũng như cơ sở hạ tầng cũ, thiếu thốn.

Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, dự báo, sang năm 2025, dân số đô thị ở nước ta lên tới 52 triệu người, tăng gấp 1,3 lần năm 2023. Đây sẽ là thách thức rất lớn cho lĩnh vực cung cấp nước sạch khi hạ tầng hiện có đang chịu áp lực quá tải.

Trước một tương lai không xa đối mặt nguy cơ thiếu nước sạch đô thị, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, ngay từ bây giờ, cần “Giải tỏa nỗi lo thiếu nước từ quy hoạch và quản lý đô thị”

Theo thống kê, dân số thủ đô mỗi năm tăng trung bình 160 nghìn người, từ 8,3 triệu người năm 2020, đến năm 2030, Hà Nội có gần 10 triệu người. Còn TP.HCM, 5 năm gần đây, thành phố này đã tăng một triệu người. Trong khi dân số ở các đô thị lớn ngày càng tăng thì diện tích sông ngòi giảm do bị lấn chiếm trong quá trình đô thị hoá, chất lượng nước ngày một kém đi.

Nghịch lý này khiến lo ngại về một tương lai thiếu nước là có cơ sở. Thực tế, hiện nhiều đô thị đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch, thậm chí, tại một số khu đô thị ở Hà Nội đã từng bị mất nước sinh hoạt trong nhiều ngày, gây xáo trộn cuộc sống người dân.

Trước thực tế này, giới chuyên gia cho rằng, tới đây, cần sớm phải rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống cấp nước đô thị; bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về cấp nước đô thị để làm cơ sở điều chỉnh toàn bộ các vấn đề liên quan đến cấp nước đô thị.

Trong đó, vấn đề cần được quan tâm hàng đầu để đảm bảo đô thị phát triển bền vững, không tái diễn tình trạng thiếu nước sinh hoạt thì phải đảm bảo sự phát triển đô thị theo đúng quy hoạch.

Kinh nghiệm này được dẫn chứng từ bản quy hoạch đô thị của Singapore, ngày từ năm 2008, quy hoạch nước này không chỉ hoạch định các định hướng phát triển đô thị bền vững mà còn tính toán một quy mô dân số hợp lý trên cơ sở tính đúng, tính đủ khả năng dung nạp cho phép của đô thị về không gian, hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên, bao gồm khả năng cung cấp tài nguyên nước cho đô thị.

Từ các quy hoạch về không gian, các quy hoạch chuyên ngành bao gồm quy hoạch hệ thống cấp nước sạch cũng được nghiên cứu triển khai đồng bộ. Nhờ đó, Singapore - một quốc gia có diện tích khiêm tốn với nguồn tài nguyên nước hạn chế đã đảm bảo được nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Vấn đề quy hoạch được các chuyên gia nhìn nhận, cần phải “đi trước một bước” và mang tính dài hạn, bởi khi đã có đề án quy hoạch nhưng không thực hiện triệt để, việc tổ chức thực hiện chưa tốt, thì ắt cũng sẽ khó có thể tháo gỡ được những khó khăn của các doanh nghiệp cung cấp nước trong dài hạn.

Để giải bài toán thiếu nước sạch đô thị, ngoài chuyện cần quản lý theo quy hoạch thì chính quyền, người dân cũng cần sớm thấy được việc các đô thị cận kề nguy cơ thiếu nước, bởi nhiều người vẫn lầm tưởng nước ta có nguồn nước dồi dào, nhưng đối chiếu với các chỉ số của các tổ chức quốc tế thì Việt Nam đang là một quốc gia tương đối nghèo nước, thậm chí tương lai không xa có nguy cơ thiếu nước.

Điều này đói hỏi các biện pháp bảo vệ nguồn nước hiệu quả mà mọi người cùng tham gia, bắt đầu đơn giản với hành động tiết kiệm nước sạch khi sử dụng, ngăn chặn lượng nước đang thất thoát khoảng 20% tổng lượng nước sạch sản xuất tại Hà Nội và TP.HCM.

Đối mặt với nguy cơ thiếu nước trong tương lai, việc tái chế và sử dụng lại nước thải và nước mưa sẽ là yêu cầu bắt buộc. Dù hiện nay, việc xử lý nước thải để tái sử dụng chưa thật sự mạnh mẽ và phần lớn nước mưa bị thu gom chung với nước thải sinh hoạt.

Vì thế, song song với hành động sử dụng tiết kiệm nước còn cần nghiên cứu, đầu tư hệ thống tái chế nước thải thành nước sạch, sớm xây dựng hệ thống hạ tầng thu gom riêng nước mưa, tách riêng hệ thống thu gom nước mưa và nước thải để tái tạo nguồn nước sử dụng, tiết kiệm tài nguyên.

Việc bảo đảm nguồn nước sạch trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Do đó, chúng ta cần sớm có một hệ thống ngành nước đô thị đồng bộ trong xu hướng quy hoạch khai thác và sử dụng nước theo hướng bền vững để chuẩn bị tốt nhất cho một tương lai nghèo nước đang ở rất gần.

Nguồn: vovgiaothong.vn

message zalo