Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Thúc đẩy việc tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trở thành tài nguyên

Ngày đăng: 04/07/2025

Chiều 3/7, tại tỉnh Hưng Yên, đại biểu Sở Nông nghiệp và Môi trường thuộc 12 tỉnh, thành phố tham dự Hội thảo “Triển khai công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)” do Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức.

Các đại biểu tham quan dây chuyền tái chế nhựa PP để sản xuất hạt nhựa tái sinh và bao bì PP của Công ty Thuận Đức (tỉnh Hưng Yên).

Theo Cục Môi trường, trước khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020, các địa phương phân loại chất thải rắn sinh hoạt mang tính thí điểm, xây dựng mô hình và không thành công.

Sau khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020, có 34 địa phương thực hiện công việc này (tính theo tên địa phương trước ngày 1/7/2025). Trong đó, có 31 địa phương ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; 30 địa phương ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; 4 địa phương ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và có 4 địa phương ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

ndo_br_7.jpg

Quang cảnh Hội thảo.

Cả nước hiện có 1.548 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó đốt phát điện có 7 cơ sở; đốt không phát điện 333 cơ sở; dây chuyền sản xuất phân compost có 30 cơ sở; còn lại chủ yếu là bãi chôn lấp với 1.178 địa điểm.

Khó khăn, thách thức hiện nay là công tác triển khai, phối hợp của các bộ, ngành và địa phương chưa đồng bộ; chưa tập trung vào các giải pháp cấp bách để chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Các địa phương còn lúng túng trong áp dụng đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý sau phân loại; một số định mức, đơn giá áp dụng của địa phương chưa phù hợp, nhất là vùng nông thôn, miền núi, hải đảo đòi hỏi phải có định mức, đơn giá đặc thù.

Hiện nay, cả nước chưa có cơ sở hạ tầng để xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại như: Cơ sở xử lý tập trung chất thải thực phẩm thành mùn/phân hữu cơ; chưa có hạ tầng để tiếp nhận chất thải có thể tái chế, tái sử dụng. Công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (chiếm 64%).

ndo_br_download.jpg

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường cho rằng, cần thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường cho rằng: Hội thảo mong muốn chia sẻ, cùng đồng hành với địa phương trong cả nước để tiếp tục đẩy mạnh công tác phân loại, biến chất thải thành tài nguyên; xây dựng các mô hình quản lý, xử lý chất thải đô thị và nông thôn đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới.

Cục Môi trường cũng mong muốn lắng nghe những ý kiến về Dự thảo Nghị định về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là Nghị định về EPR).

Để đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi cả nước, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành hàng loạt văn bản pháp luật để hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện công tác phân loại chất thải, thu gom, vận chuyển và xử lý.

ndo_br_5.jpg

Các đại biểu dự Hội thảo.

Bên cạnh đó, Cục Môi trường đang từng bước triển khai cơ chế EPR, hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế tài chính hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải thực thi chính sách EPR.

Tại hội thảo, đại biểu các địa phương cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt để từ đó nhân rộng, áp dụng cho các tỉnh, thành phố có tính chất tương đồng; đồng thời nghe ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định EPR.

 

Nguồn: Báo Nhân dân

message zalo