Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Vai trò của truyền thông trong việc bảo vệ nguồn nước sạch

Ngày đăng: 30/12/2024

Chiều 29/12, Đoàn Thanh niên Đài THVN phối hợp với các chuyên gia ngành nước ở Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học về ngành nước - thực trạng và giải pháp.

Nhãn

Nước là nguồn tài nguyên quý giá, thiết yếu cho sự sống và phát triển của các sinh vật trên Trái đất, trong đó có con người.

Tầm quan trọng của nước là không thể phủ nhận khi trong sinh hoạt hàng ngày: nước cung cấp nhu cầu uống, vệ sinh, tắm rửa và nấu ăn; trong nông nghiệp: việc cấp nước tưới tiêu cho cây trồng giúp đảm bảo sản xuất lương thực; trong công nghiệp: nước là nguyên liệu và phương tiện sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp; trong lĩnh vực y tế: nước sạch giúp phòng chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe; trong môi trường tự nhiên: nước giúp duy trì cân bằng sinh thái và bảo vệ hệ động, thực vật…

Tuy nhiên, nguồn nước hiện nay đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nhiều tác nhân khác nhau. Điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như môi trường tự nhiên.

Trong bối cảnh đó, ngày 29/12, Đoàn Thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các nhà khoa học hàng đầu về ngành nước tại Việt Nam để tổ chức Tọa đàm khoa học về ngành nước với chủ đề “Vai trò của truyền thông trong việc bảo vệ nguồn nước sạch. Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học ngành nước cùng các cán bộ, đoàn viên, thanh niên của Đoàn Thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam, sự đồng hành của Công ty Cổ phần nước GMT .

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phùng Văn Hiệp - Bí thư Đoàn Thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam - cho biết: "Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ và nguồn nước dưới đất. Hiện cả nước có khoảng hơn 3400 sông, suối và hàng nghìn ao, hồ, trên 7800 đập, hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 70 tỷ m3. Tuy nhiên, tính đến năm 2020, chỉ có khoảng hơn 88% người dân nông thôn được tiếp cận tới nguồn nước hợp vệ sinh".

Bí thư Đoàn Thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng, nguồn nước có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh và nguồn nước tuy dồi dào nhưng ô nhiễm nguồn nước đang là những thách thức lớn đặt ra.

"Tọa đàm khoa học về ngành nước - thực trạng và giải pháp là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học cùng thế hệ trẻ nhìn nhận, đánh giá thực trạng về nguồn tài nguyên nước hiện nay cũng như đưa ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo môi trường nước cho cuộc sống" - ông Phùng Văn Hiệp nhấn mạnh.

Tại buổi Tọa đàm, GS. TS. Trần Đức Hạ - chuyên gia ngành cấp thoát nước - cho rằng, Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, cùng với tác động của quá trình phát triển, đô thị hóa nhanh gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và nguồn nước nói riêng. Chính vì vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về nguồn nước.

Cụ thể, các con sống lớn của nước ra bắt nguồn từ nước ngoài, dẫn đến tình trạng bị chi phối, phân phối nguồn nước không đồng đều theo thời gian và không gian. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống, trong đó có vấn đề nguồn nước. Ngoài ra, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, đô thị hóa nhưng tình trạng cấp thoát nước, xử lý nước không theo kịp với tốc độ tăng trưởng, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, cùng với đó là vấn đề ô nhiễm nguồn nước, úng ngập. Theo ước tính, tổng công suất của các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt mới chỉ đáp ứng được từ 10 - 15% lượng nước thải trung bình mỗi ngày tại các thành phố lớn.

Trong khi đó, TS. Phạm Văn Dương - Viện trưởng Viện Đào tạo và Ứng dụng khoa học công nghệ, Trường Đại học Kiến trúc - cho biết, các kỹ sư của Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ nguồn nước, tuy nhiên, vấn đề tài chính, nguồn lực cùng với quy định về xử lý nguồn nước còn hạn chế. Ngoài ra, việc quản lý và bảo về nguồn nước, trong đó có bảo vệ nhà máy xử lý nước, còn nhiều vấn đề đặt ra, ví dụ như xảy ra tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường gần ngay nhà máy xử lý nước…

Tại buổi Tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, vai trò của con người, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý trong sử dụng, bảo vệ nguồn nước là rất quan trọng. Tuy nhiên, ý thức sử dụng nước và việc quan tâm, đầu tư đến nguồn nước và sử dụng nước còn chưa được đề cao, tưng xứng với vị trí, vai trò của nước đối với sự sống.

Nhiều giải pháp để khắc phục, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo môi trường nước cho cuộc sống đã được đưa ra thảo luận tại Tọa đàm. Các chuyên gia cho rằng, cần phải đề cao vai trò của pháp luật trong bảo vệ, sử dụng nguồn nước, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra những vi phạm ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường. Bên cạnh đó, cũng cần triển khai đồng bộ hệ thống giải pháp, công nghệ mới trong bảo vệ, xử lý nguồn nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số để đảm bảo tính bền vững trong xử lý nước và cấp nước; đẩy mạnh các chương trình tái chế nước thải quy mô lớn; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó với ô nhiễm môi trường, trong đó tăng cường bảo vệ các khu vực đầu nguồn, rừng đầu nguồn; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xử lý nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước, khai thác nước ngầm một cách hợp lý và bền vững… Ngoài ra, cần có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành cấp thoát nước, xử lý nước bởi tỷ lệ tham gia học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực này còn thấp, mức thu nhập cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực này chưa cao.

Các chuyên gia cũng khẳng định, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng nước tiết kiệm, trong đó, vai trò của Đoàn Thanh niên, báo chí - truyền thông là rất quan trọng trong việc tuyên truyền người dân nâng cao ý thức sử dụng nước, tiết kiệm nước. Ngoài ra, cũng cần đề cao vai trò của giáo dục trong các nhà trường hiện nay đối với việc bảo vệ nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, từ đó hình thành hành vi sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả trong các học sinh, lan tỏa thông điệp đến gia đình và khu vực các em sinh sống.

 

Nguồn: Đài truyền hình Việt Nam

message zalo