Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Vĩnh Phúc: Góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn

Ngày đăng: 08/09/2021

 

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về NS&VSMTNT, hằng năm, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên tuyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các sự kiện: Tuần lễ quốc gia NS&VSMTNT (29/4-6/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (22/9); phát động ra quân làm sạch môi trường, thu gom xử lý rác thải, chất thải, trồng cây xanh.

Giai đoạn 2010-2020, Trung tâm NS&VSMTNT đã thực hiện hơn 730 lớp truyền thông, tuyên truyền về vai trò của nước sạch, tầm quan trọng của vệ sinh môi trường (VSMT) đối với sức khỏe con người và cộng đồng dân cư cho hơn 43 nghìn lượt hộ tại các xã xây dựng dự án cấp nước sạch tập trung, các xã đăng ký hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã khó khăn, nguồn nước ô nhiễm… Qua đó, giúp người dân nâng cao hiểu biết, ý thức sử dụng nước sạch, giữ gìn VSMT.

Để nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, giai đoạn 2010-2020, tỉnh đã đầu tư xây dựng 20 công trình cấp nước tập trung quy mô xã, liên xã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT, Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng Sông Hồng vay vốn Ngân hàng Thế giới và tham gia đầu tư xã hội hóa của các doanh nghiệp.

Hằng năm, nguồn ngân sách tỉnh thực hiện hỗ trợ lắp đặt thiết bị lọc nước cho các hộ nghèo, gia đình chính sách và nguồn vốn vay từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh. Theo đó, Trung tâm NS&VSMTNT làm chủ đầu tư 8 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, lắp đặt hơn 1.800 thiết bị lọc nước hộ gia đình hỗ trợ cho hộ nghèo, gia đình chính sách.

Chi nhánh Ngân hàng CSXH (từ năm 2016 đến 31/8/2019) đã giải ngân hơn 480 tỷ đồng cho các hộ gia đình khu vực nông thôn vay vốn ưu đãi xây dựng hơn 50 nghìn công trình nước sạch.

Cùng với đó, tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường: Hằng năm, dành hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu.

Giai đoạn 2015-2020, tỉnh hỗ trợ hơn 31 tỷ đồng xây dựng hơn 8.000 hầm biogas; hỗ trợ 100 tỷ đồng cải tạo, xây mới rãnh thoát nước thải và hơn 22 tỷ đồng cải tạo, chỉnh trang các nghĩa trang nhân dân khu vực nông thôn. Đồng thời, thực hiện phân bổ hơn 1.000 tỷ đồng cho nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

Để bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, các sở, ngành, các Hội đoàn thể đã vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia, các hộ gia đình ký cam kết bảo vệ môi trường.

Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở hội triển khai nhiều hoạt động gắn với thực hiện tiêu chí 3 sạch. Các cấp Hội đã xây dựng được các mô hình như "Đường hoa phụ nữ", "Nhà sạch, vườn xanh", đoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp; Tổ phụ nữ “Phân loại rác thải tại gia đình", “Tự quản vệ sinh môi trường”, “Thu gom rác thải”.

Hết năm 2020, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng, cải tạo được 800 km cống, rãnh thoát nước thải; đầu tư 2 nhà máy xử lý rác thải tập trung từ nguồn xã hội hóa ở thị trấn: Hợp Hòa (Tam Dương), Hương Canh (Bình Xuyên); đầu tư hơn 33 lò đốt rác thải sinh hoạt; 100% số xã đã thành lập và đưa vào hoạt động các HTX dịch vụ hoặc tổ VSMT, tần suất thu gom trung bình từ 1-3 lần/tuần, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 75%.

Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó, hơn 61% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; 100% trường học, Trạm Y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; hơn 90% hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo 3 sạch; 85% hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo VSMT; 100% cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung có hầm biogas; các hộ gia đình và cơ sở SXKD thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP theo quy định.

Thời gian tới, tỉnh huy động, lồng ghép các nguồn lực xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch cho vùng nông thôn; cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp.

Khuyến khích các địa phương nhân rộng các mô hình như: Gia đình thân thiện với môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, con đường tự quản môi trường; tổ chức thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ, dự án gắn với công tác bảo vệ môi trường.

Ưu tiên tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện hạ tầng thiết yếu về bảo vệ môi trường ở nông thôn; nạo vét, xử lý và phục hồi môi trường ở các thủy vực tiếp nhận nước thải đang bị ô nhiễm môi trường.

 

message zalo