Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng sống

Ngày đăng: 10/09/2021

 

Giúp các hộ dân ở khu vực nông thôn có vốn đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch, vệ sinh bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về NS&VSMT, nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển KT- XH khu vực nông thôn, từ năm 2006 đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai chương trình cho vay NS&VSMT nông thôn tại các xã trên địa bàn theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMTNT.

Đối tượng thụ hưởng của chương trình là các gia đình cư trú hợp pháp tại khu vực nông thôn, không phân biệt hộ nghèo hay hộ không nghèo, chưa có nước sạch và công trình vệ sinh hoặc đã có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia về NS&VSMTNT.

Để nguồn vốn vay NS&VSMTNT đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với các cấp chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, rà soát, thẩm định, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận vốn vay; tư vấn các hộ vay vốn sử dụng, xây dựng các công trình.

Bà Lê Thị Dung, thôn Mỹ Đô, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên chia sẻ: Năm 2020, được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Xuyên cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình NS&VSMTNT, gia đình có thêm nguồn lực đầu tư xây dựng giếng khoan, làm đường ống dẫn nước và công trình vệ sinh.

Được sử dụng nguồn nước đảm bảo và nhà vệ sinh hợp vệ sinh, chất lượng cuộc sống của gia đình được cải thiện, nâng lên rõ rệt, bây giờ nỗi lo bị lây, nhiễm bệnh qua nguồn nước đã không còn.

Tuy nhiên, theo bà Dung, với mức vay 10 triệu đồng/công trình/hộ, chưa đáp ứng được chi phí xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh đạt chuẩn. Đề nghị, Chính phủ, Ngân hàng CSXH xem xét nâng mức cho vay chương trình NS&VSMTNT từ mức tối đa 10 triệu đồng/1 công trình lên tối đa 15 triệu đồng/1 công trình để phù hợp với chi phí và giá cả hiện nay.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh, giai đoạn (2006 - 2020) triển khai chương trình NS&VSMTNT, Ngân hàng đã giúp hàng chục nghìn gia đình trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn để xây dựng, cải tạo, nâng cấp hơn 468.000 công trình nước sạch và vệ sinh.

Trong đó, có hơn 236.500 công trình nước sạch (cải tạo giếng khơi, xây bể nước, làm đường ống dẫn nước...) và trên 231.900 công trình vệ sinh môi trường (xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, bể biogas…).

Hiện, dư nợ cho vay chương trình NS&VSMTNT của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 906 tỷ đồng, với gần 54.000 hộ thụ hưởng.

Ông Tạ Ngọc Thảo, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH tỉnh khẳng định: Chương trình tín dụng NS&VSMTNT là chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn của Đảng, Nhà nước đã đi vào lòng người, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Chương trình góp phần quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu KT - XH hằng năm như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo; tăng tỷ lệ số hộ dùng nước sạch đạt chuẩn Quốc gia và tỷ lệ hộ có công trình vệ sinh; hạn chế lây nhiễm bệnh tật trong dân cư, nhất là các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh như thương hàn, tiêu chảy, lỵ, sốt rét, tả, mặt hột…

Bên cạnh đó, hình thành nếp sống văn hoá, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường ở tất cả mọi nơi, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc; xóa bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc; hạn chế sự chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và đô thị, giữa các vùng nông thôn với nhau.

Việc sử dụng nước sạch, công trình vệ sinh hợp vệ sinh không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe cộng đồng dân cư, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, xây dựng thành công nông thôn mới.

Thực tế, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay NS&VSMTNT đã góp phần tăng nhanh tỷ lệ hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch và có công trình vệ sinh hợp vệ sinh.

Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn đạt 98,7%; tỷ lệ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam đạt hơn 60%.

Số hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ trên 72%; hộ nghèo sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam đạt tỷ lệ hơn 24%.

Tỷ lệ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và bảo đảm 3 sạch theo tiêu chí nông thôn mới đạt hơn 90%.

 

message zalo