Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Xây dựng nông thôn mới: Lan tỏa những hành động xanh

Ngày đăng: 15/10/2019

 

Theo báo cáo của Bộ TN&MT về Tổng kết phong trào thi đua“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”giai đoạn 2016 - 2020” do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động, lĩnh vực bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới đã từng bước hoàn thiện, đồng bộ hóa các biện pháp bảo vệ môi trường nói chungvà khu vực nông thôn, làng nghề nói riêng; triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ môi trường nông thôn, làng nghề. Đặc biệt, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm cải thiện chất lượng môi trường tại các khu vực nông thôn. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước chuyên lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn Xanh - Sạch - Đẹp.

* Nhiều vùng nông thôn có kế hoạch xử lý rác thải tập trung

Hiện nay, đã có trên 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có nhiều địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh thành như Nam Định, Hà Nội, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai,...; toàn bộ 13 tỉnh vùng đồng bằng song Cửu Long lập và phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn 3 sinh hoạt trên địa bàn. Cảnước có 3.210 xã và 19,5 nghìn thôn có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt (chiếm 35,8% tổng số xã và 24,4% tổng số thôn).

Rác thải trên địa bàn nông thôn được các địa phương đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý, từng bước giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường. Một số địa phương chủ động có quy định tuỳ theo điều kiện từng xã, thành lập tổ dịch vụ thu gom rác thải hoặc sử dụng dịch vụ thu gom sẵn có trên địa bàn. Quy định này cũng tạo điều kiện mở cho các địa phương hình thành mạng lưới thu gom chất thải và duy trì hoạt động hiệu quả. Tỷ lệ xã có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 44,1% năm 2011 lên 63,5% hiện nay; tỷ lệ thôn có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 25,8% lên 47,3%.

Có địa phương đã tích cực chủ động công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ví như tỉnh Đồng Nai, lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom, xử lý khoảng 1.838 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 98,1% (cao nhất trên cả nước); tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt chỉ còn 43% và là thấp nhất trong cả nước.

Với hoạt động sản xuất nông nghiệp, công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đặc biệt quan tâm. Nhiều địa phương đã hình thành và vận hành hiệu quả mạng lưới các tổ, đội, có sự phối hợp tốt với doanh nghiệp thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã thực hiện đồng loạt tại các tỉnh, thành phố phía Nam và đã thu gom được khoảng 12.260 kg bao bì thuốc bảo vệ thực vật các loại đã qua sử dụng để vận chuyển về nhà máy tiêu hủy an toàn với 50 doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đồng hành cùng chương trình, mang lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ xã có điểm thu gom thuốc bảo vệ thực vật cả nước đạt 21,0%.

Ô nhiễm của các làng nghề từng bước được khắc phục. Nhiều địa phương chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng “Phương án bảo vệ môi trường làng nghề”. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải/rác thải; số làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng giảm mạnh (được xử lý, đóng cửa...). Đến nay, tỷ lệ làng nghề có thu gom nước thải tập trung chiếm 27,6% tổng số làng nghề có nước thải công nghiệp; trong đó tỷ lệ làng nghề có nước thải xử lý tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường chiếm 16,1%; tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp chiếm 20,9% tổng số làng nghề có chất thải rắn công nghiệp.

* Áp dụng các mô hình hay

Qua thực tiễn đã phát triển nhiều cách làm hay, nhiều mô hình điểm về xử lý môi trường đã được các địa phương áp dụng hiệu quả như mô hình “Công viên - Bãi xử lý rác thải” của Công ty Tân Thiên Phú tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; mô hình thu hồi rác thải hữu cơ để chế biến thành phân compost tại Công ty môi trường xanh Huê Phương tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh phù hợp với từng quy mô (mô hình lò đốt rác đơn giản cấp xã, mô hình cấp huyện - liên huyện, mô hình cấp tỉnh gắn với phát điện).

Đặc biệt, thu hút một số doanh nghiệp của nước ta nhiên cứu, ứng dụng và từng bước làm chủ được công nghệ xử lý rác thải, nước thải làng nghề phù hợp với điều kiện địa phương như: Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi của Cty VietFarm - Trang Trại Việt tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai...; mô hình xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty T - Tech Việt Nam; mô hình tự chủ động xây dựng hệ thống lò đốt rác quy mô cấp xã của tỉnh Nam Định; bước đầu cơ bản xử lý được các khí thải độc hại với chi phí phù hợp.

Công tác xây dựng cảnh quan, thực hiện vệ sinh môi trường có sự chuyển biến vượt bậc và là hoạt động có tính lan tỏa tiêu biểu. Cùng với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn, ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện môi trường, cảnh quan tiếp tục được nâng cao. Những phong trào như “Sạch làng, đẹp ruộng”; “Thắp sáng làng quê”;… đang dần dần nâng cao ý thức của người dân nông thôn về giữ gìn môi trường sinh thái và môi trường xã hội. Một số địa phương đã vận động được các hộ đồng bào dân tộc thiểu số di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi nhà sàn (Hà Giang, Sơn La, Lai Châu...).

Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế như: Mô hình “Dòng sông không rác”, Mô hình “Biến bãi rác thành vườn hoa” tại Đồng Tháp; mô hình trồng hoa, cây xanh “Từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông tại tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long...; mô hình con đường bích họa tại huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội; thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam; làng bích họa của đồng bào dân tộc Dao tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; mô hình không đốt rơm rạ tại cánh đồng... đã góp phần tạo nên một diện mạo mới ở nông thôn. Một số địa phương (khu vực đảo, bãi ngang ven biển) gặp khó khăn trong việc cung cấp nước sạch (do địa hình bị chia cắt...), đã có các giải pháp để khắc phục, phù hợp với điều kiện thực tế (các tỉnh tham gia Đề án 712 về thí điểm mô hình xã hội hoá thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới như: Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Sóc Trăng,…), từng bước nâng cao hơn tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch. Mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, từ thành công ban đầu của một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ.

Các hoạt động 5 phong trào nổi bật như: Ngày Thứ Bảy, Ngày Chủ nhật Xanh; các mô hình tự quản tại địa phương; phong trào trồng cây xanh được phát triển rộng khắp. Nhiều Hội nghị tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường, kiến thức về bảo vệ môi trường được tổ chức với hằng ngàn hội viên nông dân tích cực tham gia, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào bảo vệ môi trường nông thôn mới...

Thông qua phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, cả nước tiếp tục duy trì thường xuyên phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn nước ta ngày càng Xanh – Sạch – Đẹp và hướng đến nâng cao chất lượng môi trường cuộc sống.

 

message zalo