Đang tải...
Ngày đăng: 12/12/2024
Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân tại thôn 12 (xã Đăk Ruồng) phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Giếng nước trong thôn hầu hết bị nhiễm phèn, không thể sử dụng để ăn uống.
Đều đặn 2 lần mỗi ngày, gia đình chị Y Chỉa (33 tuổi, ngụ thôn 12) phải thay nhau đi xin nước ở làng bên cạnh về dùng ăn uống trong ngày. Nhiều năm trước, gia đình chị cũng đã đào giếng. Tuy nhiên, giếng nước bị nhiễm phèn nên chỉ có thể dùng tắm rửa, tưới cây. Không có nước sạch sử dụng, gia đình chị gặp rất nhiều phiền toái trong cuộc sống hằng ngày. "Vài năm trước, khi nghe tin dự án hồ chứa nước Đăk Pokei được đầu tư xây dựng, khi hoàn thành sẽ cấp nước sạch cho dân sử dụng nên dân làng rất vui mừng. Nhưng chờ mãi mà nước sạch không thấy đâu, người dân phải tiếp tục dùng nước nhiễm phèn", chị Chỉa nói.
Theo bà Y Cleoh (44 tuổi, ngụ thôn 12), người dân địa phương nhận tin hồ thủy lợi Đăk Pokei được đầu tư xây dựng từ năm 2018. Từ đó đến nay, bà con luôn ngóng dự án hoàn thành, đi vào hoạt động. "Mình ở đây nhiều năm rồi, mỗi đợt khô hạn đều thiếu nước tưới và nước sinh hoạt. Gia đình đã đào giếng nhưng nước nhiễm phèn nên chỉ có thể tắm giặt chứ không thể dùng nấu ăn, uống được. Những ngày mưa, gia đình phải chuẩn bị thùng, xô chậu hứng nước dùng dần", bà Cleoh nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 2018, dự án hồ chứa nước Đăk Pokei được triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư hơn 550 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum (gọi tắt Ban quản lý) làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, đi vào hoạt động, hồ chứa được kỳ vọng sẽ đảm bảo cung cấp nước tưới cho 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn H.Kon Rẫy và TP.Kon Tum, tạo nguồn nước sinh hoạt cho 35.000 người dân.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 434 tỉ đồng, thời gian thi công từ năm 2018 - 2020, sẽ đầu tư các hạng mục: công trình đầu mối, hệ thống kênh chính, kênh nhánh để cung cấp nước tưới cho 1.600 ha lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp; hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt cho 15.300 người dân. Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư trên 118 tỉ đồng, sẽ được đầu tư sau khi cân đối được nguồn vốn.
Đến năm 2020, vì dự án không hoàn thành nên chủ đầu tư xin gia hạn đến cuối năm 2022 sẽ đi vào hoạt động và phục vụ theo đúng mục tiêu giai đoạn 1. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa hoàn thành.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến đầu tháng 12.2024, dự án còn lại các hạng mục như lan can đập công trình đầu mối chưa được hoàn thiện; hạng mục kênh chính tây có chiều dài khoảng 6,75 km, kênh chính cấp 1, 2 có chiều dài khoảng 3,6 km, hạng mục cấp nước sinh hoạt cho 15.000 nhân khẩu của xã Đăk Ruồng và xã Đăk Tờ Re (H.Kon Rẫy) chưa được đầu tư do vượt tổng mức đầu tư.
Theo ông Lưu Văn Lợi, Phó giám đốc Ban quản lý, trong quá trình thực hiện có thông tin về vùng dự án bị ảnh hưởng phóng xạ nên việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường kéo dài. Đến tháng 12.2019, dự án mới được phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán, công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu phải thực hiện trong năm 2020. Quá trình khảo sát địa chất phát hiện các tầng địa chất yếu, thấm mất nước lớn, làm tăng chiều cao đập và khối lượng xử lý nền móng, dẫn đến tăng chi phí xây lắp, thời gian xử lý.
Nguồn: Báo Thanh niên