Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Đưa nước sạch đô thị về nông thôn: cách làm ở huyện Trảng Bom

Ngày đăng: 16/04/2025

Huyện Trảng Bom đang triển khai 7 dự án cung cấp nước sạch đô thị cho khu vực nông thôn, mang lại những tác động tích cực trên nhiều khía cạnh. Các dự án này không chỉ giúp tăng số lượng hộ dân tiếp cận được nguồn nước sạch, từ đó cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và bảo vệ bền vững nguồn nước ngầm.

Thi công nước sạch đô tại nông thôn huyện Trảng Bom​

Đồng loạt 7 dự án triển khai

Huyện Trảng Bom hiện đã dư điểm theo tiêu chí thị xã tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ban hành năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, có một số tiêu chí huyện chưa đạt, trong đó có nước sạch sinh hoạt. Tính đến hết năm 2024, huyện đạt tỷ lệ 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, nhưng tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước cấp từ công trình cấp nước mặt tập trung (còn gọi là nước máy) mới đạt khoảng 48%, còn với vùng nông thôn chỉ 9/16 xã có tuyến ống cấp nước sạch nên tỷ lệ này đạt hơn 36%.

Nhằm mục tiêu cải thiện tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, huyện Trảng Bom đang tích cực phối hợp với Công ty CP Cấp nước Đồng Nai. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thống kê nhu cầu, tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước máy ở những nơi đã có hạ tầng. Đồng thời, huyện và Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đang cùng nhau khảo sát hiện trạng, xây dựng kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ các dự án đấu nối, mở rộng mạng lưới nước sạch đô thị đến các xã, cũng như đầu tư thêm mạng lưới tại các đường hẻm để phục vụ nhu cầu của người dân một cách tốt nhất.

Ông Nguyễn Quốc Tần, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, cho biết huyện đang triển khai đồng loạt nhiều hệ thống cấp nước máy cho các xã. Điển hình là Dự án Hệ thống cấp nước xã Tây Hòa (khoảng 2.100 hộ dân), Dự án Hệ thống cấp nước xã Đông Hòa (hơn 2.100 hộ dân), Dự án Hệ thống cấp nước xã Hưng Thịnh (khoảng 800 hộ dân) và Dự án Tăng nguồn và lắp đặt tuyến ống cấp nước dọc đường tỉnh 767, xã Bắc Sơn (khoảng 4.000 hộ dân). Theo ông Tần, việc đưa các dự án này vào hoạt động không chỉ giúp tăng đáng kể tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, cải thiện sức khỏe và điều kiện sống của người dân, mà còn góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị của huyện và bảo vệ nguồn nước ngầm.

Theo đánh giá của ông Phan Trung Tính, Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị huyện Trảng Bom, công tác phối hợp triển khai các dự án cấp nước sạch trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực nhờ sự quan tâm chỉ đạo từ Huyện ủy, HĐND và UBND huyện, cùng với nỗ lực của các ngành chức năng và chính quyền các xã, thị trấn. Minh chứng là hàng loạt dự án đang và sắp được triển khai. Đồng thời, quá trình tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch cũng được chú trọng, và việc giải quyết kịp thời các ý kiến, nguyện vọng của người dân đã góp phần tạo nên sự đồng thuận cao trong cộng đồng.

Cải thiện sức khỏe và đời sống người dân

Tại ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa, ông Nguyễn Ngọc Trung cho biết người dân trong khu vực, bao gồm cả gia đình ông, đang phải sử dụng máy lọc nước do lo ngại về chất lượng nguồn nước ngầm dù trữ lượng khá lớn. Với việc Dự án Hệ thống cấp nước xã Tây Hòa đã hoàn thành thi công, ông Trung bày tỏ sự tin tưởng và quyết định sẽ chuyển sang sử dụng nước máy bằng cách lắp đặt đồng hồ nước.

Chia sẻ về nỗ lực tăng tỷ lệ sử dụng nước máy trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hòa Trần Khắc Dương cho biết, sau khi tuyến nước máy dọc quốc lộ 1A được triển khai vào năm 2024 nhưng chưa thu hút được nhiều người dân đăng ký, xã đã chủ động mời lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Đồng Nai (Chi nhánh Cấp nước Long Bình) cùng với đại diện người dân các ấp đến để trao đổi và thống nhất phương án đầu tư thêm các tuyến ống nhánh. Tại buổi làm việc này, trọng tâm là giải quyết các mối quan tâm của người dân về thủ tục đăng ký và các chính sách hỗ trợ từ phía doanh nghiệp. Thêm vào đó, xã còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bằng việc tổ chức thu hồ sơ đăng ký ngay tại nhà văn hóa của các ấp, và nhờ đó, chỉ trong vòng một tháng triển khai (tháng 3 năm 2025), đã có 71 trên tổng số 91 hộ dân nộp hồ sơ đăng ký lắp đặt đồng hồ nước máy, đạt được tỷ lệ ấn tượng là 78%.

Theo thông tin từ Công ty CP Cấp nước Đồng Nai, doanh nghiệp đã hoàn thành đầu tư hạ tầng và đang cung cấp nước sạch cho thị trấn Trảng Bom và 9 xã khác trong huyện. Các xã còn lại đang trong quá trình thực hiện dự án hoặc chuẩn bị kế hoạch. Nhằm mở rộng phạm vi phục vụ, công ty dự kiến triển khai thêm 6 dự án tại các xã Thanh Bình, Đồi 61, An Viễn và thị trấn Trảng Bom.

Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đã nêu ra một số thách thức và đề xuất các biện pháp hỗ trợ từ địa phương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cấp nước. Vấn đề đáng quan tâm là tỷ lệ sử dụng nước máy còn thấp ở những khu vực đã được đầu tư hạ tầng, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Công ty kiến nghị địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước máy tại các khu vực này. Đồng thời, công ty đề nghị Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị huyện sớm có đề xuất về phương án đầu tư đấu nối cho các khu vực chưa có mạng lưới để UBND huyện và công ty thống nhất triển khai. Một kiến nghị khác là huyện chỉ đạo các xã hỗ trợ xác nhận cho các trường hợp người dân đăng ký nước sạch nhưng gặp khó khăn về giấy tờ nhà/đất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp đặt đồng hồ nước.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Nguyễn Quốc Tần khẳng định rằng việc cung cấp nước sạch đến khu vực nông thôn không chỉ đơn thuần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của địa phương. Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền và vận động người dân chuyển đổi sang sử dụng nguồn nước máy.​

 

message zalo